Nhìn từ vụ ông Chu Hảo: Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh và công bằng!

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, vì có những vi phạm rất nghiêm trọng Điều lệ Đảng, tác động tiêu cực tới tư tưởng xã hội...

Nhìn từ vụ ông Chu Hảo: Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh và công bằng!

Quang cảnh kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Vi phạm của ông Chu Hảo thể hiện ở sự suy thoái về chính trị tư tưởng, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” phai nhạt lý tưởng. Quyết định này một lần nữa khẳng định kỷ luật Đảng luôn công bằng và nghiêm minh. Bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý, không phân biệt đảng viên là cán bộ cấp cao hay đảng viên bình thường, đương chức hay nghỉ hưu.

Không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích

Theo Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập, ông Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, đã bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy. Lẽ ra phải bám sát tôn chỉ, mục đích “Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thành tựu khoa học và công nghệ được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống, giáo dục, góp phần nâng cao dân trí và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” nhưng ông Chu Hảo với cương vị người đứng đầu Nhà xuất bản Tri thức, đã cho xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung chính trị tư tưởng đi ngược lại quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta.

Cụ thể như cuốn “Đường về nô lệ” thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, phủ nhận hoàn toàn hệ thống triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa của chủ nghĩa xã hội, phủ định chủ nghĩa Marx...

Cuốn “Tranh luận để đồng thuận” có một số bài viết thể hiện những luận điểm đi ngược lại chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Cuốn sách “Việt Nam thay đổi và hạnh phúc” có những quan điểm, nhận định, đánh giá sai lầm, lệch lạc, trái với những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng...

Những vi phạm, khuyết điểm đó của ông Chu Hảo lẽ ra đã phải bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, xét những công lao, quá trình cống hiến, ông Chu Hảo đã được miễn kỷ luật giai đoạn trước đây. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã nhắc nhở, yêu cầu ông Chu Hảo kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về những thiếu sót, khuyết điểm và có biện pháp sửa chữa, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Nhà xuất bản. Nhưng sau đó, từ năm 2009 đến năm 2018, ông Chu Hảo tiếp tục cho xuất bản những cuốn sách có nội dung vi phạm, với tổng số 24 ấn phẩm phải xử lý, trong đó có 2 cuốn sai phạm nghiêm trọng về chính trị tư tưởng, bị cấm phát hành; 17 cuốn sách có sai phạm, phải chỉnh sửa chi tiết, nộp lại lưu chiểu trước khi phát hành; 5 cuốn sách không được phép tái bản, nội dung có những nhận định, đánh giá thiếu cơ sở khoa học, còn những vấn đề gây tranh cãi, không có lợi cho công tác tư tưởng.

Như vậy, có thể thấy rằng ông Chu Hảo đã cố tình vi phạm trong thời gian dài, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Nhà xuất bản mà ông là người đứng đầu.

Vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm

Là một đảng viên, một nhà khoa học, từng là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng ông Chu Hảo đã không thực hiện nhiệm vụ đảng viên trong việc nói, viết, làm theo Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát tán nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng.

Những quy định đầu tiên trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ nhiệm vụ của người đảng viên là tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Ðảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Ðảng.

Là một thành viên trong tổ chức của Đảng, ông Chu Hảo có trách nhiệm phải nghiêm túc thực hiện, tổ chức, vận động đảng viên và quần chúng thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian dài ông lại trực tiếp tham gia ký và vận động ký vào các thư góp ý, thư ngỏ, bản kiến nghị... với nhiều nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, để các phần tử xấu lợi dụng nói xấu, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự của đất nước và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong đó, phải kể đến bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” nêu lên 7 kiến nghị tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp; yêu cầu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang, mà ông Chu Hảo đã trực tiếp ký tên vào. Hành vi này của ông Chu Hảo đã vi phạm nghiêm trọng nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, thể hiện rõ sự suy thoái về chính trị tư tưởng, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã chỉ rõ.

Đó là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin; phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập," phát triển "xã hội dân sự"; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước…

Trượt xa hơn nữa, ông Chu Hảo còn trực tiếp gửi, phát tán cho bạn bè các bài viết trái với quan điểm của Đảng, thư kiến nghị có nội dung nhạy cảm, gây ảnh hưởng xấu đến tư tưởng xã hội. Hành vi này của ông Chu Hảo vi phạm vào Điểm 2 Chỉ thị số 64-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa VIII, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, nghiêm cấm lan truyền nhưng thông tin sai lệch, không được lợi dụng việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng để tung tin, lan truyền dư luận, tán phát tài liệu hoặc xúi giục người khác lan truyền dư luận, tán phát tài liệu có quan điểm trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với những quan điểm sai lầm, hành vi sai phạm như vậy, ông Chu Hảo không còn đủ tiêu chuẩn, tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng, không xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản. Điều 7, Quy định số 102/QĐ-TW của Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2017 đã quy định rõ: Sẽ xử lý bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với đảng viên cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc; phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh...

Không có chuyện kỳ thị trí thức

Ông Chu Hảo sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những năm chiến tranh gian khổ ác liệt, ông vẫn được Đảng, Nhà nước ưu đãi, tạo điều kiện đưa đi du học, làm việc ở Liên Xô trong nhiều năm, sau này kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng, từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Lẽ ra, với tri thức và kinh nghiệm sâu sắc của mình, ông có thể chọn cách thức phù hợp hơn, đúng đắn hơn để phát huy vai trò người trí thức chân chính, cống hiến nhiều hơn, thiết thực hơn cho đất nước. Nhưng thật đáng tiếc, trước những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những vấn đề nảy sinh không tránh khỏi trong quá trình phát triển đi lên, ông Chu Hảo đã lựa chọn phương pháp sai lầm trong tư duy, hành động, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vi phạm nhiệm vụ của người đảng viên.

Trí thức là tầng lớp tinh hoa, là vốn quý của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn coi trọng đội ngũ trí thức với việc ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Là đại biểu ưu tú của đội ngũ trí thức đứng trong hàng ngũ của Đảng, hơn ai hết, người đảng viên trí thức càng cần phải “chính tâm,” có “lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ,” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn; càng không thể đi ngược, làm trái đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược con đường của Tổ quốc và nhân dân.

Kỷ luật của Đảng phải công bằng và nghiêm minh, không phân biệt đảng viên đương chức hay nghỉ hưu, đảng viên là lao động bình thường hay là lãnh đạo, nhà khoa học. Bất kỳ ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh; nếu sai phạm về mặt pháp luật thì phải được xử lý đúng pháp luật. Việc xử lý kỷ luật đảng viên trí thức vi phạm nguyên tắc không phải là tuyên chiến hay kỳ thị đội ngũ trí thức, mà là để giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Đây cũng là việc làm cần thiết để mọi đảng viên soi lại mình, sửa mình, thấy rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của người đảng viên, đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Theo TTXVN

Chủ đề Hội nghị Trung ương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast