Tại sao đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhận định, 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên nhiều phương diện song vẫn còn nhiều thách thức cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa.

tai sao dat ra nhiem vu xay dung dang ve dao duc

30 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn

PV: Sau 30 năm đổi mới, ông nhận định như thế nào về những thành tựu nổi bật mà Đảng ta đã đạt được?

Ông Nguyễn Đức Hà: Nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể thấy, dưới dự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để đưa công cuộc đổi mới đất nước thành công. Như Đại hội XII của Đảng đánh giá, qua 30 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên nhiều phương diện: chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển, an ninh quốc phòng không những được giữ vững mà còn được tăng cường thêm tiềm lực, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, khi hệ thống XHCN, Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết tan rã…chúng ta hoàn toàn mất nguồn viện trợ của các nước XHCN và lúc đó chúng ta phải đi bằng chính đôi chân của mình, trong khi “đôi chân” đó hết sức gầy gò, suy dinh dưỡng và yếu ớt.

Những khó khăn lúc đó tưởng như không vượt qua nổi, nhưng Đảng ta đã vượt lên, xốc lại đội ngũ, kiện toàn được tổ chức và đứng vững để tiếp tục lãnh đạo đưa công cuộc đổi mới đi lên. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng đã xác định lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong suốt 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua, không có nhiệm kỳ Đại hội nào mà Văn kiện Đại hội của Đảng không nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng. Nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có Nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng Đảng. Đó là một tư tưởng, một quan điểm nhấn quán của Đảng ta từ khi bước vào đổi mới đến nay. Chính vì vậy, Đảng không ngừng lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa cách mạng tiến lên.

PV: Nhìn từ Đại hội VI (1986), nhiều chuyên gia cho rằng đổi mới quan trọng nhất trong Đảng là đổi mới về tư duy, đặc biệt là tạo được bầu không khí dân chủ trong đảng, đổi mới gắn với chỉnh đốn Đảng, thực hiện tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật… Ông có bình luận gì về những nhận định này?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đại hội VI là Đại hội khởi xướng sự nghiệp đổi mới, bởi trước tình hình thế giới như vậy, nếu không đổi mới thì chúng ta sẽ không thể tồn tại và phát triển được. Từ quan điểm đổi mới của Đại hội VI, chúng ta mới nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói hết sự thật và chỉ rõ những yếu kém và nguyên nhân của nó để khắc phục. Đây là quan điểm rất lớn và rất quan trọng mà các Đại hội sau này Đảng ta tiếp tục phát triển lên.

Trong đổi mới, Đảng xác định đổi mới phải toàn diện nhưng trước hết phải đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy rất quan trọng bởi vì đã bao nhiêu năm chúng ta sống trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đi lên từ nước nông nghiệp lạc hậu nửa phong kiến cho nên tâm lý phong kiến, tư tưởng sản xuất nhỏ cũng như tàn dư của chế độ cũ còn tồn tại rất nặng nề. Chính vì đổi mới tư duy Đảng ta mới dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để khắc phục những khuyết điểm, phát huy ưu điểm để Đảng không ngừng lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công như ngày nay.

Xây dựng Đảng về đạo đức

PV: Đảng ta luôn khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó nhấn mạnh xây dựng đạo đức trong Đảng. Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng đạo đức trong Đảng cần thể hiện qua những việc làm cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Xây dựng Đảng về đạo đức là nhiệm vụ mới mà Đại hội XII của Đảng đề ra. Mục tiêu xây dựng Đảng hiện nay là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tại sao Đại hội XII lại đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức? Bởi như Đại hội XII chỉ ra là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn đang tồn tại, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có những diễn biến phức tạp.

tai sao dat ra nhiem vu xay dung dang ve dao duc

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)

Từ thực trạng đó, Đại hội XII của Đảng đã bổ sung thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Đi liền với đó chúng ta phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng tư tưởng rất quan trọng của cán bộ, đảng viên. Cho nên xây dựng Đảng về đạo đức là để thiết lập những cơ chế, mối quan hệ giữa cá nhân đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức Đảng, giữa các tổ chức Đảng với nhau, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Vì vậy, hiện nay toàn Đảng đang thực hiện việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tùy từng công việc, vị trí công tác của mỗi người để việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành những việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.

Công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”

PV: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Liên quan đến những lùm xùm vừa qua của công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh, theo ông, thời gian tới công tác cán bộ cần đặt ra những yêu cầu cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hà: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”. Trong những năm gần đây, chúng ta đã cố gắng có nhiều đổi mới trong các khâu của công tác cán bộ để đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch với mục đích cuối cùng là chọn được đúng người có đức, có tài. Chúng ta cũng đã khắc phục được một số khuyết điểm, yếu kém và đạt được một số tiến bộ trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua công tác cán bộ đang được dư luận xã hội, nhân dân bức xúc về tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch người nhà, người thân mà vụ việc Trịnh Xuân Thanh là một điển hình.

Khi một số vụ việc khiến dư luận bức xúc thì có người nói đã thực hiện công tác cán bộ đúng quy trình. Song những trường hợp mà dư luận, báo chí ồn ào, bức xúc thì không thể đúng quy trình được.

Tôi cho rằng, quy trình không có khuyết điểm gì cả mà chính là do những người làm quy trình đã không thực hiện đúng hoặc làm méo mó quy trình đó, chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Điều đó liên quan đến nhận định hết sức quan trọng mà Đảng ta chỉ ra, đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái. Nghị quyết TW4 khóa XII yêu cầu kiểm tra, giám sát, rà soát ngay tất cả những trường hợp cán bộ mà dư luận xã hội đang bức xúc và xử lý nghiêm minh những trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, quy trình.

Để làm tốt công tác cán bộ phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trước hết là phải có quy trình đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch và được thực hiện một cách nghiêm túc; những người làm công tác cán bộ phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, thực sự vì nhiệm vụ chung.

Có thể nói, trước thời kỳ đổi mới quy trình không chặt chẽ như hiện nay nhưng chọn ai trúng đó. Sở dĩ những yếu kém hiện nay trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng chính là do nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu và sâu xa nhất vẫn là cán bộ, đảng viên thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng. Từ đó chủ nghĩa cá nhân phát triển mới dẫn đến lối sống thực dụng, vụ lợi. Vì vậy, trước hết phải tập trung đấu tranh chống suy thoái trong Đảng.

Muốn làm tốt công tác cán bộ phải kết hợp rất nhiều mặt, vừa coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng vừa phải đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây làm nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, đồng thời lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt, đồng thời đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast