Tự “soi mình” vào 27 biểu hiện suy thoái để sửa chữa

Trao đổi với Lao Động về vấn đề làm thế nào để đưa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII vào cuộc sống hiệu quả, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư - cho rằng, mỗi đảng viên tự “soi mình” vào 27 biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII để sửa chữa.

tu soi minh vao 27 bieu hien suy thoai de sua chua

Nghị quyết (NQ) Trung ương 4 khóa XII đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là làm thế nào để tinh thần, nội dung, ý nghĩa của NQ về xây dựng Đảng được thực hiện và tiếp thu một cách nghiêm túc cho mỗi đảng viên, đặc biệt là người có chức, có quyền phải sống tử tế, phải vượt lên chính mình để không hổ thẹn với gia đình, bạn bè và với dân tộc.

tu soi minh vao 27 bieu hien suy thoai de sua chua

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Chính vì thế đưa NQ T.Ư 4 khóa XII vào cuộc sống là việc làm không dễ. Vì vậy, mỗi chi bộ, đơn vị, mỗi nơi khi tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện NQ phải làm rõ được ý nghĩa nhân văn của NQ. Đó là làm cho Đảng tốt đẹp lên, mỗi đảng viên tốt đẹp lên, nhất là những đảng viên là lãnh đạo quản lý, trong đó có những đảng viên đã về hưu cũng phải luôn giữ cho tâm mình trong sáng tại gia đình và khu dân cư. Mục đích của NQ muốn đánh thức lòng tự trọng của những cán bộ đảng viên có chức, có quyền đang quá say sưa với tiền bạc, sống quá xa hoa, ích kỷ, tham quyền cố vị, gặt hái bằng chức quyền trở lại chính mình.

Thưa ông, để làm được điều đó cần phải có những biện pháp như thế nào?

- Để làm được điều đó, trước tiên phải làm bằng chính những hành động cụ thể, thiết thực như phê bình và tự phê bình, rồi kiểm tra, đánh giá xem sự việc đúng-sai, vi phạm đến đâu để xử lý. Trước hết, phải chuyển động từ những người có chức, có quyền, những người đứng đầu phải làm gương, không nể nang, né tránh, sợ sệt và không có vùng cấm. Những người đứng đầu cấp ủy, thường vụ cấp ủy phải đứng ra làm việc đó và sửa chữa.

Ví dụ ở trung ương thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc kiểm tra. Tức là cán bộ lãnh đạo cũng phải giải trình, phê bình và tự phê bình, nếu anh khẳng định được anh trong sạch, đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh nhưng khi kiểm tra nếu phát hiện ra vi phạm thì anh sẽ bị xử lý. Và khi đối chiếu với 27 biểu hiện nhận diện suy thoái trong NQ nếu thấy tại cơ quan, đơn vị, cá nhân có những biểu hiện giống với 27 biểu hiện đã nêu thì phải xây dựng kế hoạch để sửa chữa và có cam kết cụ thể khi nào hoàn thành. Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh việc sinh hoạt chi bộ đảng ở cơ sở cho thực chất và đưa việc phê bình và tự phê bình vào thực hiện thường xuyên.

Vậy phải làm gì để chấn chỉnh việc sinh hoạt chi bộ Đảng ở cơ sở cho thực chất?

- Nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ Đảng, theo tôi là việc nên làm. Tuy nhiên, phải đi vào thực chất, chứ không được làm cho có. Đừng biến buổi sinh hoạt chi bộ thành sinh hoạt câu lạc bộ.

Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần phải đưa việc thực hiện phê bình và tự phê bình đối với từng đảng viên, những gì cần góp ý, đảng viên nào có dấu hiệu sai phạm phải sửa chữa và nêu rõ bằng biên bản để giám sát. Trong một chi bộ cũng có những đảng viên ở các cấp bậc khác nhau, đảng viên thường và đảng viên là người lãnh đạo. Thì chính những đảng viên lãnh đạo phải khuyến khích và lắng nghe những ý kiến của đảng viên thường góp ý, phê bình. Qua đó, nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong đội ngũ đảng viên tại các buổi sinh hoạt thường kỳ hằng tháng. Nếu chi bộ thực sự có sức chiến đấu sẽ giúp cho đảng viên ngăn ngừa được sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Đồng thời, xử lý những tiêu cực đến cùng, không nóng vội, không hấp tấp, để tạo niềm tin cho nhân dân.

Đó là giám sát của chi bộ Đảng cơ sở, vậy còn giám sát của nhân dân thì sao, thưa ông?

- Cần phải làm sao để mỗi người dân phải là một giám sát viên, giám sát từng đảng viên ở khu dân cư, đặc biệt là đảng viên có chức, có quyền và mạnh dạn dám góp ý, chỉ rõ những biểu hiện chưa được trong lối sống của họ tại khu dân cư, để người đảng viên lãnh đạo nhận thấy cái sai, khuyết điểm của mình và tự sửa chữa. Qua đó, giáo dục cho mọi người dân ý thức, trách nhiệm xây dựng để đưa những tiêu cực ra ánh sáng trên tinh thần lấy “xây mà chống” là chính. Do vậy, nếu còn tình trạng nể nang nhau, sẽ lại tái diễn vi phạm, thậm chí vi phạm càng lớn hơn.

Đồng thời, để giám sát đảng viên thì các cơ quan giám sát nên công khai số điện thoại, email, khi có thông tin cần tiếp nhận và thông báo lại sự việc. Để đưa NQ vào cuộc sống, chúng ta phải có quyết tâm cao để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Mỗi đảng viên phải tự “soi mình” vào 27 biểu hiện suy thoái đã nêu trong NQ, nếu sai phạm thì nên tự nhận khuyết điểm, báo cáo với Đảng, xin chuyển công việc khác hay từ chức để Đảng khoan dung.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lao động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast