Vai trò công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng QL 1A

Là một trong những dự án trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh khởi công từ tháng 9/2012 đến nay cơ bản đã hoàn thành. Theo dự kiến, dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 năm nay, về đích trước thời hạn đề ra 4 tháng.

Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Dân vận 15/10

Để có được kết quả này, một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên là công tác GPMB được triển khai nhanh gọn với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân đồng tình hưởng ứng. Hơn lúc nào hết, công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng ban Điều hành dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh cho biết: “Dự án có tổng chiều dài trên 35 km, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ đi qua địa phận các huyện: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà và TX Hồng Lĩnh. Đến thời điểm này, phần nền đường và móng cơ bản hoàn thành, chúng tôi đang tập trung cho phần rải thảm mặt đường. So với nhiều công trình mà chúng tôi tham gia thì tiến độ của dự án khá nhanh bởi tỉnh đã sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công”.

Người dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) đồng thuận trong công tác GPMB.
Người dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) đồng thuận trong công tác GPMB.

Trong công tác GPMB, khó khăn nhất vẫn là tuyến đường đi qua địa phận 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà. Bởi vì đa phần diện tích đất thu hồi và số hộ ảnh hưởng tại 2 địa phương này chủ yếu nằm trên khu vực đông dân cư, giá trị đất đai lớn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, chỉ trong một thời gian ngắn, các địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Huyện Can Lộc đã tiến hành thu hồi hơn 55.000m2 đất, di dời 6 hộ dân đến nơi tái định cư, giải tỏa phần mặt bằng ảnh hưởng đến 560 hộ dân trên địa bàn thị trấn Nghèn và 3 xã Tiến Lộc, Vượng Lộc, Thiên Lộc. Còn ở Thạch Hà, huyện cũng giải tỏa mặt bằng có ảnh hưởng đến 323 hộ dân nơi dự án đi qua.

Bài học thành công trước hết là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và quan điểm coi dân vận là một trong những giải pháp hàng đầu. Cùng với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH, QPAN thì các địa phương tập trung cao cho công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ông Võ Hữu Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Nhận rõ những khó khăn, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò, sức mạnh của công tác dân vận trong GPMB. Thông qua nhiều cuộc họp dân tại địa bàn dự án đi qua, chúng tôi tập trung phổ biến cho người dân hiểu rõ mục đích của dự án, từ đó động viên nhân dân chấp hành chủ trương của T.Ư, địa phương thông qua cuộc vận động “Xây dựng văn hóa người Can Lộc”. Tại mỗi địa phương đều thành lập một tiểu ban dân vận. Bên cạnh đó, để tạo tiếng nói chung giữa chính quyền và nhân dân, không để nhân dân thiệt thòi thì mọi thắc mắc của người dân đều được huyện trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 2 ngày”.

Song song với các giải pháp trên, các địa phương đã huy động và phát huy sức mạnh các lực lượng: mặt trận, hội CCB, hội phụ nữ, đoàn thanh niên để tuyên truyền, vận động người dân, trong đó phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. “Mưa dầm thấm lâu”, từng lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng lớn đến người dân, từ suy nghĩ, nhận thức đã biến thành những hành động tự giác, cụ thể. Câu chuyện của thương binh 3/4 - Đặng Ngọc Thống (xóm 7, thị trấn Nghèn) là một minh chứng rõ nét. Ngôi nhà 3 tầng có giá trị hơn 1 tỷ đồng đã được ông chấp thuận cho chính quyền giải tỏa để đi đến nơi ở mới.

Ông Lê Văn Sơn - Trưởng ban Dân vận huyện Thạch Hà chia sẻ: “Làm công tác dân vận đòi hỏi người cán bộ phải thực sự gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Để làm được điều đó, những người làm công tác này phải hết sức khéo léo, nhẫn nại và tâm huyết thì mới có thể thành công được. Xác định công tác kiểm kê, áp giá đền bù hết sức quan trọng nên huyện chỉ đạo những cán bộ có hiểu biết sâu về vấn đề này xuống cơ sở giải thích cho người dân hiểu. Quá trình triển khai áp giá, đền bù được huyện triển khai một cách minh bạch, công khai, không để người dân thiệt thòi. Những trường hợp gia đình thuộc diện chính sách, khó khăn, chúng tôi đã tham mưu cấp ủy, chính quyền để có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân”.

Mong rằng, từ bài học thành công trong GPMB dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh, các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sẽ vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của mình để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn phía Nam Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast