2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh có 43 bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì có đến 10 người từ ngoại tỉnh; 2/3 ổ dịch được phát hiện đều lây lan từ các bệnh nhân từ các tỉnh khác trở về.

Ngày 2/7/2020, ngành y tế phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh). Qua điều tra dịch tễ nguyên nhân xuất hiện ổ dịch là từ một bệnh nhân đi từ Quảng Bình trở về, sau đó đã lây bệnh cho 5 người trong xã.

2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

Lãnh đạo Trung tâm CDC Hà Tĩnh kiểm tra tại ổ dịch xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh).

Còn tại ổ dịch thôn Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà), nguyên nhân bùng phát là do người bệnh đi lao động từ Bình Dương về đã lây bệnh cho 8 người trong thôn.

Bác sỹ Lê Khắc Lộc - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Lộc Hà cho biết: "Sau khi xuất hiện ổ dịch, trạm đã nhanh chóng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đoàn thể địa phương và toàn thể bà con trong thôn triển khai các biện pháp dập dịch. Trung tâm Y tế huyện tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng cho toàn bộ các hộ trong thôn và chỉ đạo khám, phân loại bệnh nhân để quản lý và điều trị kịp thời.

2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà tiến hành tuyên truyền các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân thôn Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà).

Đặc biệt là thông tin kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh cho người dân thôn Xuân Hải nói riêng và toàn bộ thị trấn Lộc Hà nói chung về diễn biến phức tạp của dịch SXH trong cả nước; khuyến cáo bà con các giải pháp phòng chống dịch như: thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, mắc màn khi đi ngủ...

Được biết, sau ca bệnh SXH từ tỉnh khác về, Trạm Y tế thị trấn cũng đã khuyến cáo đối với tất cả bà con, khi có người thân đi từ ngoài tỉnh trở về phải nhanh chóng lên trạm y tế khai báo y tế, khám sàng lọc vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa phòng chống dịch SXH đang diễn biến phức tạp.

2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

Ngành chuyên môn tổ chức phun tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch.

Theo thống kê từ ngành y tế, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh SXH diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước với hơn 70 ngàn trường hợp mắc, trong đó có 7 ca tử vong.

Tại Hà Tĩnh, đã ghi nhận 43 trường hợp mắc bệnh, với 3 ổ dịch tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh), thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà), xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh).

2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

Khi người thân ở các địa bàn trong vùng mắc bệnh sốt xuất huyết trở về, có các triệu chứng của bệnh, cần khẩn trương vào bệnh viện để kiểm tra, điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Hiện đang vào mùa dịch sốt xuất huyết, vì vậy, người dân, chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt, khi phát hiện các triệu chứng mắc bệnh như: sốt cao đột ngột, đau đầu (thường đau sau hố mắt), mệt mỏi, đau cơ, khớp, buồn nôn và nôn, nổi mẩn ở cánh tay, chân và ngứa, chảy máu cam, chân răng hoặc kinh nguyệt kéo dài thì phải khẩn trương vào viện điều trị, đồng thời báo ngay với cơ sở y tế địa phương để thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cần chú ý kiểm tra người thân đi làm ăn xa về hoặc người ở nơi khác đến có đi từ vùng mắc bệnh sốt xuất huyết không".

2 ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh xuất phát từ bệnh nhân đi từ tỉnh khác

Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh kiểm tra véc-tơ truyền bệnh tại xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên).

Được biết, hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch chính là sự vào cuộc của người dân.

Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast