Bài học tiêm phòng và phân tuyến điều trị

(Baohatinh.vn) - Sau thời gian bùng phát mạnh khiến hơn trăm trẻ em trên cả nước bị tử vong, đến thời điểm hiện tại, dịch sởi đã được khống chế. Từ những diễn biến phức tạp của dịch sởi thời gian qua cho thấy, nếu như công tác tiêm phòng được thực hiện đầy đủ và việc phân tuyến điều trị được tiến hành hợp lý, khoa học, đồng bộ, số ca tử vong do biến chứng của sởi đã có thể giảm đáng kể.

Hiện đang giữa mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác có thể bùng phát như: thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Do đó, một lần nữa, bài học về tiêm phòng và phân tuyến điều trị cần được rút ra.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi

Từ khi xảy ra tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem hồi đầu và giữa năm 2013 ở một số địa phương, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin ở nhiều nơi đã giảm rõ rệt và đó được coi là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi bùng phát mạnh trong thời gian qua. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nếu tiêm 1 mũi vắc-xin sởi thì tỷ lệ đáp ứng miễn dịch chỉ đạt 80-85%, còn nếu trẻ được tiêm đầy đủ 2 mũi thì tỷ lệ đáp ứng miễn dịch là 90-95%. Trẻ cần được tiêm đầy dủ 2 mũi phòng sởi lúc 9 và 18 tháng tuổi.

Hiệu quả từ việc tiêm chủng đã được thực tế kiểm nghiệm. Vấn đề còn lại là, ngành Y tế cần tuân thủ nghiêm túc quy trình tiêm chủng an toàn cũng như các quy định bảo đảm chất lượng vắc-xin trong bảo quản, vận chuyển và sử dụng tại các điểm tiêm chủng nhằm hạn chế tối đa những tác dụng phụ không mong muốn và những biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Từ một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, việc bảo quản vắc-xin không đúng quy định, sử dụng sai quy trình; để lẫn vắc-xin với các loại thuốc và sinh phẩm khác dễ có nguy cơ tiêm nhầm thuốc; không khám sàng lọc trước khi tiêm là những lỗi mà cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng không được phép vi phạm. Khi chất lượng các loại vắc-xin được bảo đảm từ quy trình sản xuất, bảo quản, nhà cung cấp đến người sử dụng, việc tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy trình, chắc chắn người dân sẽ hoàn toàn yên tâm đưa con em đi tiêm phòng theo đúng lịch quy định.

Bên cạnh thực hiện đúng, đủ lịch tiêm chủng thì bài học về phân tuyến điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế cũng cần được rút ra. Khi dịch sởi bùng phát trên diện rộng, không ít phụ huynh có con em mắc sởi đã hoang mang, lo lắng, muốn vượt tuyến điều trị với quan niệm: bệnh viện tuyến trên có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ lành nghề, con em sẽ sớm được chữa khỏi bệnh. Chính quan niệm này đã góp phần gây nên tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, dẫn tới việc lây chéo bệnh sởi tại các bệnh viện tuyến cuối khiến diễn biến bệnh của trẻ trở nên phức tạp và nguy cơ tử vong cao hơn. Từ đây đặt ra vấn đề, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ việc sàng lọc người bệnh, phân luồng, cách ly điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Theo đó, tuyến xã, phường thực hiện tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng; tuyến huyện, tỉnh có nhiệm vụ tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh bắt đầu có dấu hiệu biến chứng; tuyến trung ương hỗ trợ kỹ thuật và điều trị những ca biến chứng nặng. Mặt khác, các bệnh viện tuyến dưới cần chuẩn bị tốt các điều kiện để chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại chỗ. Các bệnh viện tuyến dưới chỉ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp bất khả kháng và sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục ổn định từ bệnh viện tuyến trên chuyển về.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast