Bệnh nhân tiểu đường gia tăng nhanh

Bệnh tiểu đường hiện là một trong những căn bệnh phổ biến nhất. Ở một số nước trên thế giới, số người mắc căn bệnh này chiếm tỉ lệ tới 10% dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh không phải là nước lớn nhất thế giới nhưng bệnh lại phát triển nhanh nhất thế giới. Riêng Hà Tĩnh, có tỷ lệ người mắc 5%. Điều đáng quan tâm nữa là hiện còn rất nhiều bệnh nhân chưa kiểm soát được bệnh nên đã, đang và sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân tiểu đường gia tăng nhanh

Theo thống kê của Hội Người giáo dục Đái tháo đường (ĐTĐ) Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người mắc ĐTĐ năm 2002 chiếm 2,7%, đến năm 2008 đã tăng lên đến 5,7 % dân số; tỷ lệ mắc ĐTĐ ở các thành phố

BS Khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra chi bàn chân đang hoại tử do biến chứng ĐTĐ cho bệnh nhân
BS Khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra chi bàn chân đang hoại tử do biến chứng ĐTĐ cho bệnh nhân

chiếm 7,2 %. Riêng Hà Tĩnh, theơ số liệu điều tra mới nhất của ngành y tế, tỷ lệ mắc ĐTĐ chiếm 5% dân số; tỷ lệ tiền ĐTĐ chiếm 7% và nguy cơ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Mặt khác, số bệnh nhân bị biến chứng do ĐTĐ cao.

Để nắm rõ hơn những thông tin xung quanh những con số trên, chúng tôi đã thực địa một số điểm quản lý, điều trị bệnh nhân ĐTĐ trên địa bàn thành phố. Tại khoa Nội, bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, phòng tư vấn và quản lý bệnh nhân ĐTĐ và tăng huyết áp luôn tràn ngập bệnh nhân. Mặc dù đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng đến nay phòng đã quản lý gần 1500 bệnh nhân và quân bình mỗi ngày phòng khám, kiểm tra và tư vấn cho 40 lượt bệnh nhân. Vì số lượng bệnh nhân quá đông, hơn nữa do tính chất đặc thù của bệnh nên bệnh viện Đa khoa thành phố đã áp dụng mô hình quản lý và điều trị ngoại trú đối với loại bệnh nhân này

Tại khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ đều được chuyển từ tuyến dưới lên. Tuy vậy, những con số ở đây cũng thật đáng lưu tâm. Tính từ tháng 11 năm 2009, khoa đã khám, quản lý và điều trị cho 10.000 lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho trên 300 bệnh nhân. Quân bình mỗi ngày, khoa đón tiếp 30 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều đã có biến chứng, trong đó nhiều bệnh nhân đã có biến chứng rất nặng như suy thận, mạch vành, hoại tử các chi, biến chứng thần kinh... Cũng theo thông tin từ khoa cho biết, cứ trong khoảng 5 bệnh nhân khoa quản lý thì có một bệnh nhân mới; có nhiều bệnh nhân ở độ tuổi còn rất trẻ. Và với bệnh nhân ở độ tuổi này, bệnh tiến triển rất nhanh.

Chế độ ăn uống và vận động hợp lý - nền tảng trong điều trị

Nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ là do gen di truyền và môi trường sống (hoạt động thể lực, chế độ dinh dưỡng và stress). Bệnh có hai thể chính: Bệnh tiểu đường loại 1 do tụy tạng không tiết insulin, và loại 2 do tiết giảm insulin và đề kháng insulin. Với loại thuộc typ1, phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi (<30T). Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh nếu không điều trị. Giai đoạn toàn phát có tình trạng thiếu insulin tuyệt đối gây tăng đường huyết và nhiễm Ceton. Những triệu chứng điển hình của Bệnh tiểu đường loại 1 là tiểu nhiều, uống nhiều, đôi khi ăn nhiều, mờ mắt, dị cảm và sụt cân, trẻ em chậm phát triển và dễ bị nhiễm trùng.

Bệnh nhân ĐTĐ chờ để được khám và tư vấn tại bệnh viện Đa khoa TP
Bệnh nhân ĐTĐ chờ để được khám và tư vấn tại bệnh viện Đa khoa TP

Bệnh tiểu đường typ2 thường gặp ở lứa tuổi trên 40. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30, thậm chí cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh nhân thường ít có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài; bệnh nhân nữ hay bị ngứa vùng do nhiễm nấm âm hộ; bệnh nhân nam bị liệt dương. Bệnh tiểu đường là một bệnh không thuần nhất, có nhiều thể lâm sàng. Bệnh tiểu đường typ2 có các triệu chứng diễn ra êm dịu hơn typ1. Các triệu chứng thường thấy ở các bệnh nhân ĐTĐ là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh; lượng nước tiểu thường từ 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mãng trắng; tiểu dầm ban đêm do đa niệu có thể là dấu hiệu khởi phát của đái tháo đường ở trẻ nhỏ. Với bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu và vì vậy bệnh thường chẩn đoán muộn khoảng 7-10 năm. Vì vậy, khi phát hiện thì bệnh đã thường đi kèm với các dấu hiệu của biến chứng.

Bác sỹ bệnh viện Đa khoa TP khám và tư vấn cho bệnh nhân ĐTĐ
Bác sỹ bệnh viện Đa khoa TP khám và tư vấn cho bệnh nhân ĐTĐ

Bác sỹ Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh ĐTĐ tuy nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát bằng cách giảm thiểu nồng độ đường trong máu, chữa trị huyết áp cao, chữa độ máu đông cao. Cùng với việc dùng thuốc cho bệnh nhân thì chế độ ăn uống và vận động hợp lý của bệnh nhân luôn là nền tảng trong điều trị. Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân chưa phối hợp tốt về điều kiện này, nhất là về vấn đề dinh dưỡng, đại đa số bệnh nhân còn ngộ nhận như ăn quá bồi bổ hoặc kiêng khem quá mức. Một chế độ ăn hợp lý dành cho bệnh nhân tiểu đường là nên ăn đa dạng (ăn khoảng 20 loại thức ăn/ngày bằng cách ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn và nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa, nên hạn chế những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo...); ăn chừng mực (không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều); ăn các thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn. Đối với những bệnh nhân mới phát hiện, nên giữ liên hệ thường xuyên với bác sỹ để có điều chỉnh liều thuốc phù hợp giúp ổn định đường huyết. Nếu hợp tác tốt giai đoạn đầu này, bệnh nhân có thể tự chủ động quản lý bệnh tại nhà bằng cách theo dõi đường huyết. Ngoài ra, đối với các đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao như người mập phì, có người thân bị tiểu đường, người cao huyết áp, rối loạn mỡ trong máu, phụ nữ sinh con nặng hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là tiểu đường trong thai kỳ; đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết lúc đói... nên đi khám và xét nghiệm đường huyết theo định kỳ để sớm phát hiện và kiểm soát bệnh, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Riêng khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh, để có điều kiện chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tốt hơn, trong thời gian tới, khoa sẽ thành lập thêm phòng tư vấn dinh dưỡng và phòng chăm sóc bàn chân bệnh nhân ĐTĐ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast