Bệnh thoát vị đĩa đệm gia tăng, nguy cơ trẻ hóa

(Baohatinh.vn) - Bệnh lý thoát vị đĩa đệm tưởng chỉ mắc ở người cao tuổi nhưng hiện người trẻ tuổi mắc chứng bệnh này chiếm tỷ lệ cao và ngày một gia tăng.

Bệnh nhân Nguyễn Hành Tình (63 tuổi), ở khối 7, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm ở BVĐK tỉnh thì được chuyển xuống Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh để tiếp tục được chăm sóc và tập luyện.

Ông chia sẻ: "Tôi bị bệnh này khi còn trẻ nhưng không có thời gian để đi điều trị. Cách đây 2 tháng, có biểu hiện đau nặng, tôi đi khám, bác sỹ chỉ định mổ. Tuy nhiên, về nhà mọi người cứ bảo mổ cái này tỷ lệ 50/50 nên tôi không dám. Rồi sau đó, chân phải bắt đầu teo dần cho đến khi cổ chân không còn cảm giác, không điều khiển nó được nữa. Xuống bệnh viện tỉnh khám, bác sỹ bảo nếu không mổ thì chân còn lại sẽ hỏng luôn. Giờ thì tôi đã phẫu thuật nhưng cứ hối hận, giá như mình phẫu thuật cách đây 2 tháng thì chân phải đã không đến nỗi nào".

Bệnh thoát vị đĩa đệm gia tăng, nguy cơ trẻ hóa

Nhiều bệnh nhân trẻ thường chủ quan nên bệnh diễn biến nặng, phải phẫu thuật để phòng các biến chứng nguy hiểm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy ở đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí thông thường. Bệnh lý gây nên những cơn đau tại vùng đĩa đệm bị thoát ra lan xuống tay chân. Ở Việt Nam, có đến 30% dân số mắc chứng đau lưng do bệnh lý này. Những tưởng các triệu chứng của bệnh chỉ xuất hiện ở người độ tuổi từ 60 trở lên nhưng những năm gần đây, bệnh có nguy cơ trẻ hóa.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở xã Thạch Bằng (Lộc Hà) năm nay 40 tuổi nhưng đã mắc chứng bệnh này 7 năm nay. Đau đến mức không thể chịu đựng, lại có dấu hiệu bị teo chân nên chị đã phẫu thuật. Chị Nguyệt cho biết, sau khi sinh đứa thứ 2 được 3 tháng thì chị bắt đầu bị bệnh. Cũng theo chị Nguyệt, chị thường nằm cho con bú sai tư thế và sau sinh, ít vận động, tăng cân. “Năm 2015, mình có tập yoga được 1 năm, đỡ rất nhiều sau đó bị đau lại. Giờ thì đã phẫu thuật rồi nhưng vẫn còn bị đau. Bác sỹ giải thích là khi phẫu thuật chỉ khắc phục đốt sống bị tổn thương nặng nhất, có thể đốt sống liền kề đó bị đau nên xuất hiện lại triệu chứng bệnh”, chị Nguyệt cho hay.

Bệnh thoát vị đĩa đệm gia tăng, nguy cơ trẻ hóa

Bệnh nhân chủ quan với bệnh nên dẫn đến biến chứng teo cơ và mất khả năng vận động của chân

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đến tập luyện. Bác sỹ Lê Hữu Thọ - Khoa Y học cổ truyền cho biết, hầu hết bệnh nhân còn ở tuổi lao động, do vậy thường đến tập được 1 tuần hoặc 10 ngày lại phải nghỉ để tiếp tục đi làm. Do vậy, bệnh dễ bị tái phát, nặng thêm. Còn đối với những bệnh nhân phát hiện được bệnh sớm, tập luyện theo đúng chỉ định của bác sỹ thì hiệu quả phục hồi rất tốt.

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết, bệnh viện chưa có nghiên cứu chính thức về thực trạng bệnh lý này tại bệnh viện nhưng qua thực tế cho thấy những người mắc bệnh thường nằm trong nhóm có xu hướng tăng cân nặng; những người vận động thể chất quá sức, sai tư thế; môi trường làm việc ngồi nhiều hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Phụ nữ mổ đẻ gây tê tủy sống cũng có tỷ lệ tương đối. Trước đây, bệnh nhân ít nhưng giờ nhiều, có nhiều người trẻ, cả nam và nữ.

Hiện nay, thoát vị đĩa đệm có nhiều cách chữa trị như là dùng thuốc tây y, thuốc đông y, vật lý trị liệu hoặc nặng thì có thể phẫu thuật. Bệnh nhân cần cân nhắc theo chỉ dẫn của bác sĩ để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp với mình.

Phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm cần lưu ý một số điều sau:

  • Ngồi đúng tư thế, luôn ngồi thẳng
  • Không mang vác đồ vật nặng đứng lên ngồi xuống quá nhiều
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tốt cho sức khỏe

  • Tập thể luyện các bài thể dục vừa sức và đều đặn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast