Cần quản lý chặt chẽ việc mua, bán thuốc không kê đơn

Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 04/2008/BYT ngày 1/2/2008 về “Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú”, tuy nhiên, trên thực tế tình trạng cả người mua và người bán thuốc không cần đơn của bác sĩ đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều hiệu thuốc tây trên địa bàn tỉnh.

Nhiều người còn cho rằng, hiện nay việc mua bán thuốc chữa bệnh còn “dễ hơn cả mua…rau”. Khách hàng tới hiệu thuốc chỉ cần nói tên thuốc cần mua, hay kể bệnh tình với người bán thuốc thì ngay lập tức, yêu cầu sẽ được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau.

Theo Quyết định 04/2008/BYT do Bộ Y tế ban hành quy định các nhóm thuốc phải bán theo đơn gồm: thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần; thuốc độc A, B; thuốc kháng sinh; tim mạch; nội tiết; ung thư, trị nấm; sốt rét... Những loại thuốc nêu trên chỉ được phép bán khi người bệnh có đơn thuốc của bác sĩ... Quy định là vậy, nhưng trên thực tế nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán công khai, dễ dàng, thậm chí không cần đơn của bác sĩ. Vì lợi nhuận mà các hiệu thuốc bất chấp những quy định của pháp luật bán theo nhu cầu người bệnh.

Việc lạm dụng thuốc, mua thuốc không cần đơn, không theo chỉ dẫn của bác sỹ khiến cho không ít người lâm vào cảnh tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Việc lạm dụng thuốc, mua thuốc không cần đơn, không theo chỉ dẫn của bác sỹ khiến cho không ít người lâm vào cảnh tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Chúng ta có thể dễ dàng đến các hiệu thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông hay hiệu thuốc nào đó trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh để mua thuốc miễn là có nhu cầu. Chị Mai ở phường Trần Phú cho biết: Tháng trước, con nhỏ nhà tôi sốt và ho 2 ngày. Tôi đến hiệu thuốc tây trên đường Hải Thượng Lãn Ông nêu hiện tượng không cần đơn thuốc được nhân viên bán thuốc bán cho một hộp kháng sinh Amoxilin, một hộp thuốc hạ sốt Paracetamon, một hộp thuốc giảm ho. Nhân viên cửa hàng dặn dò: “Cứ cho cháu uống theo chỉ dẫn ghi trong hộp, 3 ngày không đỡ thì đổi thuốc khác”.

Theo ghi nhận của tác giả, việc mua bán thuốc không đơn không chỉ xảy ra đối với các loại thuốc phổ thông thường dùng như thuốc bổ, giảm đau, tiêu hóa, kháng sinh, hạ sốt… mà cả các loại thuốc thuộc diện nguy hiểm, bắt buộc phải bán theo đơn và theo dõi chặt chẽ người sử dụng thuốc như: tim mạch, thuốc biệt dược, thuốc hướng thần… vẫn được không ít hiệu thuốc bán mà không cần đơn của bác sỹ. Tình trạng, mua thuốc không đơn có một nguyên nhân là do tâm lý chủ quan, ngại đi bệnh viên và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người, mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám bệnh, thường tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc, theo quảng cáo hoặc kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Một số người còn tự điều trị theo đơn thuốc của người khác được cho là mắc bệnh giống mình.

Việc lạm dụng thuốc, mua thuốc không cần đơn, không theo chỉ dẫn của bác sỹ đã khiến cho không ít người lâm vào cảnh tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ cũng có thể gây tác dụng xấu, lâu dài đến việc chữa bệnh. Theo y học, kháng kháng sinh là khả nang của các vi rút, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng chống lại nó (kháng thuốc). Về sau người bệnh khi mắc bệnh do nhiễm khuẩn, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Để giải quyết tình trạng mua, bán thuốc không đơn như hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan, ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức và sự hiểu biết về thuốc của mọi người dân, đồng thời tăng cường quản lý việc sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc. Bên cạnh đó, tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm hiện đang khá phổ biến như bán thuốc không có đơn hoặc đơn quá cũ với các thuốc được yêu cầu bán theo đơn, tự ý thay đổi thuốc trong đơn, người bán thuốc không có các kiến thức về dược, bán thuốc không rõ nguồn gốc... Ngoài ra, củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn và y đức của các cán bộ y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, để cải thiện chất lượng phục vụ của các dịch vụ y tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast