Cần thêm những giọt máu đào...

(Baohatinh.vn) - Năm nào cũng vậy, tết đến, lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều tăng đột biến. Bệnh nhân chủ yếu nặng, cần truyền máu chiếm tỷ lệ cao, vì vậy, số lượng máu dự trữ dự kiến phải tăng gấp đôi. Tuy nhiên, việc huy động máu trong dịp tết là điều hết sức khó khăn.

Máu là một loại “thuốc” đặc biệt mà hiện nay chưa có chế phẩm nào thay thế được. Vì vậy, việc huy động máu luôn là hoạt động được quan tâm đặc biệt của các bệnh viện. Với Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng vậy, phải luôn đảm bảo nguồn máu dự trữ để phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu. Bác sỹ Đặng Thị Thúy Hà, phụ trách Phòng Huyết học - Truyền máu (Khoa Xét nghiệm) cho biết: “Mỗi tháng, bình quân bệnh viện sử dụng 300 đơn vị máu. Nguồn máu có được chủ yếu từ những người hiến máu tình nguyện (HMTN), mua ở các trung tâm huyết học lớn và nguồn máu sống huy động từ người nhà và các ngân hàng máu sống. Đặc biệt là nguồn máu nhân đạo, khoảng 2 năm trở lại đây, các ĐVTN trong tỉnh đã tích cực chia sẻ, tham gia HMTN nên đã giúp bệnh viện cải thiện tình trạng thiếu máu dự trữ”.

Nhiều bệnh nhân cấp cứu cần được truyền máu kịp thời nên cần có nguồn máu dự trữ đảm bảo.
Nhiều bệnh nhân cấp cứu cần được truyền máu kịp thời nên cần có nguồn máu dự trữ đảm bảo.

Năm 2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2.906 đơn vị máu của các ĐVTN. Nguồn máu mua được từ các trung tâm huyết học là 770 đơn vị, chế phẩm máu và nguồn của người nhà cung cấp 681 đơn vị. Như vậy, chiếm phần lớn nguồn máu phục vụ bệnh nhân là từ các tình nguyện viên. Ngoài phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện, nguồn máu dự trữ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn cung cấp cho bất kỳ cơ sở KCB nào trong tỉnh khi có nhu cầu. Riêng năm 2013, đơn vị đã cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh khác 200 đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác phối hợp giữa cho và nhận máu cũng là trăn trở của những người làm công tác chuyên môn. Bác sỹ Đặng Thị Thúy Hà chia sẻ: “Việc bảo quản, lưu trữ máu có những tiêu chuẩn riêng, chỉ có giá trị trong thời gian 35 ngày, còn quá thời hạn sẽ bị hủy. Vì vậy, việc lấy máu cần dự trù theo nhu cầu sử dụng và theo thời gian. Nhưng thực tế, việc tổ chức lấy máu bấy lâu còn có bất cập. Các tổ chức đoàn thường ra quân HMTN cao điểm vào tháng 3 và tháng 10, trong khi nhu cầu của bệnh viện thường xuyên và liên tục. Do vậy, đã xảy ra tình trạng có tháng bệnh viện tổ chức gom từ 4-5 lần nhưng có khi 3, 4 tháng lại khan hiếm. Chúng tôi mong muốn các tổ chức đoàn tiếp tục quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là có sự phối hợp nhịp nhàng hơn để nguồn cung cấp máu được thường xuyên, liên tục, đảm bảo lượng máu dự trữ phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là trong dịp tết”.

Đảm bảo nguồn máu phục vụ bệnh nhân trong dịp tết là một yêu cầu cấp thiết. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Xuân Anh cho biết: “Bệnh viện đã liên hệ với các trung tâm truyền máu và phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh tổ chức lấy máu và bước đầu đã có dự trữ. Tuy nhiên, theo dự báo, lượng bệnh nhân dịp tết sẽ tăng đột biến, nhất là các bệnh nhân cấp cứu. Vì vậy, số lượng máu dự trữ dự kiến phải tăng gấp đôi. Bệnh viện đang nỗ lực để huy động và đang rất cần các tấm lòng tình nguyện hiến máu vì sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực và vào cuộc của các tổ chức đoàn trên địa bàn.

Người hiến máu tình nguyện được kiểm tra sức khỏe toàn phần và được thông báo kết quả; được phát thẻ hiến máu để hưởng quyền lợi được cấp miễn phí số lượng máu đã hiến trước đó (thẻ có giá trị trên toàn quốc). Việc sử dụng nguồn máu tình nguyện, được thực hiện theo các thông tư của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Để có nguồn máu sạch phục vụ bệnh nhân, bệnh viện phải trả chi phí cho khá nhiều công đoạn, từ việc tổ chức lấy máu, kinh phí chăm sóc người hiến máu cho đến các xét nghiệm cao cấp, bao bì… Giá thu được thực hiện theo qui định của Nhà nước và được BHYT chi trả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast