Cảnh giác với bệnh viêm màng não

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, số bệnh nhân nhập viện do viêm màng não tăng cao.

canh giac voi benh viem mang nao

Chăm sóc bệnh nhân bị viêm màng não tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện tỉnh

Bs. Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: riêng trong các ngày 28 - 29/5, khoa điều trị cho 6 bệnh nhân viêm màng não, chiếm gần 1/5 tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa. Bệnh viêm màng não bắt đầu vào mùa, người dân cần đề cao cảnh giác với bệnh này để có những bước xử lý tốt hơn, tránh biến chứng, gây hậu quả nặng nề với sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Ông Mai Xuân Minh (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) nhập viện trong tình trạng sốt, mê man, rối loạn ý thức. Sau khi được khám, lấy máu, chọc dịch não tủy xét nghiệm thì cho kết quả bị viêm màng não mủ. Trong quá trình điều trị, do không thích ứng với thuốc, ông được chuyển ra Hà Nội điều trị tiếp.

Còn bệnh nhân Dương Xuân Đạt (23 tuổi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội. Sau xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ.

canh giac voi benh viem mang nao

Tiêm vắc xin cho trẻ đúng lịch để phòng chống bệnh viêm màng não

Theo Bs. Nguyễn Xuân Bảo, bệnh nhân điều trị viêm màng não gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em, thanh niên đến cụ già trên 80 tuổi. Phần lớn bệnh nhân được đưa đến viện với những triệu chứng đơn giản là sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn. Bệnh viêm màng não có thể diển biến nặng ngay từ đầu hoặc không có dấu hiệu điển hình nên viêm màng não dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như cảm sốt thông thường, viêm đường hô hấp. Vì thế, ở thời điểm vào “mùa” viêm màng não như hiện nay, nếu có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, sốt, sau khi dùng thuốc hạ sốt đã giảm nhưng vẫn còn đau đầu, nôn cần nghĩ tới khả năng mắc viêm màng não, cần tới viện sớm để được khám xác định.

Bệnh viêm màng não thường do vi khuẩn, vi rút gây ra. Vì vậy  nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm não, áp xe não, khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao; trường hợp qua khỏi thì biến chứng nặng về thần kinh như bại não, liệt một chân, một tay, mắc bệnh động kinh, tai điếc, trí nhớ kém chậm phát triển trí tuệ …

Để phòng chống bệnh viêm màng não, đối với trẻ em cần tiêm phòng các loại vắc xin vì đây là biện pháp giúp trẻ phòng tránh tốt các bệnh. Các loại vi khuẩn phế câu, Hemophilus Influenza, hay vi rút quai bị, thủy đậu, sởi, Rubella... cũng có thể gây viêm màng não. Vì vậy, việc đi tiêm phòng vắc xin định kỳ có thể phòng được các bệnh gây viêm màng não do các nguyên nhân trên.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh viêm màng não:

-Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

-Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

-Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. 

-Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 

-Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm, sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast