Chặn nguy cơ nhiễm asen vô cơ: Cách gì?

Thời gian vừa qua, mọi người đều chú ý đến những “uẩn khúc” đằng sau cái tên asen hay còn gọi là thạch tín... Mọi kết luận đã rõ ràng: asen hữu cơ không độc bằng asen vô cơ và asen tìm thấy trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ... Vậy asen vô cơ sẽ nằm ở đâu, nó gây hại gì cho sức khỏe?

Asen hữu cơ và asen vô cơ là gì?

Nếu asen khi tồn tại ở dạng hợp chất mà có liên kết với nguyên tố hóa học các-bon và hydro thì đó là asen hữu cơ. Các nguồn có thể nhiễm asen dạng này: cá, động vật có vỏ (trai, sò, cua, tôm), thịt, gia cầm, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc.

Đúng là asen hữu cơ là rất ít độc hơn so với asen vô cơ. Lý do là loại chất nào mà khó hấp thu bởi cơ thể, nhanh chóng bị đào thải khỏi ruột thì sẽ ít độc hơn. Và asen hữu cơ rơi vào trường hợp này.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài hợp chất hữu cơ của asen gây độc (công thức ngắn gọn của những asen này là MMA, DMA hay Roxarsone). Những hợp chất này thường được tìm thấy trong các thuốc trừ sâu. Và chúng có thể gây ra độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Còn asen vô cơ là những hợp chất của asen không có liên kết với các-bon. Chúng được tìm thấy trong nguồn nước bị nhiễm, sản phẩm nông nghiệp trên đất trồng nhiễm asen hay sử dụng nguồn nước nhiễm asen để trồng trọt, chăn nuôi và từ việc hút thuốc lá. Loại asen này làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí gây tử vong nếu hấp thụ một lượng lớn asen hoặc tích lũy tuy nồng độ thấp nhưng trong thời gian dài.

chan nguy co nhiem asen vo co cach gi

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các loại nước mắm truyền thống đều an toàn cho người sử dụng.

Mức độ độc hại của asen vô cơ đến sức khỏe

Ảnh hưởng cấp tính

Các triệu chứng ngay lập tức của việc ngộ độc asen cấp tính bao gồm nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, còn có thể tê và ngứa ran các chi, chuột rút cơ bắp và chết nếu hấp thu lượng lớn asen vô cơ.

Ảnh hưởng lâu dài

Các triệu chứng đầu tiên của việc tiếp xúc lâu dài với asen vô cơ (như thông qua nước uống và thực phẩm) thường được quan sát thấy trên da, bao gồm các thay đổi sắc tố da, tổn thương da và mảng sần/mảng sừng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những hiện tượng này là tiền đề có thể gây ra ung thư da. Ngoài ung thư da, tiếp xúc lâu dài với asen cũng có thể gây ra ung thư bàng quang và phổi.

Các tác hại khác với sức khỏe khi tiếp xúc trong thời gian dài với asen vô cơ bao gồm ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, gây độc đến hệ thần kinh, tiểu đường, bệnh phổi và các bệnh tim mạch. Nhồi máu cơ tim do asen gây ra là một nguyên nhân đáng kể gây nên tỷ lệ tử vong cao. Việc tiếp xúc với asen hay còn gọi là thạch tín còn có thể gây ra cả hoại tử.

Asen cũng ảnh hưởng xấu đến thai phụ và là nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh cũng như những tác động đến sức khỏe của trẻ em và đặc biệt là tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức ở trẻ.

Các nguồn asen vô cơ chính

Từ nguồn nước

Asen trong nước uống là nguyên nhân môi trường quan trọng gây ra căn bệnh ung thư trên thế giới. Ô nhiễm nước ngầm là một trong những con đường chính mà con người tiếp xúc với asen vô cơ và nguy cơ nhiễm asen thường cao hơn nhiều trong nước ngầm so với nước trên bề mặt. Nồng độ asen cao trong nước ngầm đã được báo cáo ở Bangladesh, Trung Quốc, Đài Loan, Argentina, Canada và Việt Nam.

Sự ô nhiễm asen này chủ yếu từ các nguồn tự nhiên, chẳng hạn do quá trình xói mòn và rửa trôi xuất phát từ hình thành địa chất hoặc các nguồn nhân tạo. Ngoài ra, sử dụng asen cho mục đích công nghiệp, hoạt động khai thác, chế biến kim loại, thuốc trừ sâu và phân bón cũng là nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm.

Từ nguồn thực phẩm

Thực phẩm có thể chứa cả asen vô cơ và hữu cơ. Chúng thường được trồng trọt, chăn nuôi trong vùng mà nguồn nước bị nhiễm asen. Asen vô cơ chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm thịt, sản phẩm từ sữa và ngũ cốc. Còn asen hữu cơ hay có trong hải sản, trái cây và rau xanh.

Trong số các nguồn thức ăn có thể nhiễm asen vô cơ thì đáng chú ý nhất là gạo vì đây là nguồn lương thực chủ yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó cũng có trong các sản phẩm ngũ cốc dành cho trẻ em.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn ô nhiễm tối đa cho phép về asen trên các loại thực phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần đáp ứng các yêu cầu này một cách nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Từ thuốc lá

Trước tiên, chính thuốc lá cũng chứa asen vô cơ do có trong thành phần thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ để trồng cây thuốc lá. Hơn nữa, các chất hóa học trong thuốc lá ảnh hưởng xấu đến quá trình chuyển hóa và đào thải asen đã hấp thụ vào cơ thể. Ngoài là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, hút thuốc lá cộng với uống nguồn nước nhiễm asen vô cơ làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang.

Chúng ta cần phải làm gì?

Biết được tác hại khủng khiếp của asen vô cơ cũng như các nguồn ô nhiễm chính để giúp chúng ta chú ý đến việc chọn lựa thực phẩm, nước uống sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có kiểm nghiệm rõ ràng. Đồng thời, nên dừng việc hút thuốc lá để giảm nguy cơ các căn bệnh ung thư và nhiễm asen vô cơ. Chú ý một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh kết hợp tập luyện đều đặn cũng là một cách hữu hiệu để bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Theo TS. Lê Đoàn Thanh Lâm/SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast