Chảy máu chất xám bệnh viện (bài 1): Bệnh viện công không đủ sức “níu chân” bác sỹ!

(Baohatinh.vn) - Bác sỹ chuyên sâu “dứt áo” bệnh viện công để “đầu quân” cho các bệnh viện tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn là thực trạng nhức nhối đang xảy ra ở nhiều bệnh viện Hà Tĩnh.

Chảy máu chất xám bệnh viện (bài 1): Bệnh viện công không đủ sức “níu chân” bác sỹ!

Thiết bị hiện đại chuyên ngành da liễu của Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân “đắp chiếu” vì bác sỹ chuyên khoa bỏ ra bệnh viện tư làm việc.

Bác sỹ trẻ bỏ đi

Năm 2015, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Huyền là người dân tộc ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Nghi Xuân xin việc với mong muốn công tác tại huyện để thuận tiện trong lập gia đình (do có người yêu ở Nghi Xuân).

Bác sỹ Huyền bày tỏ nguyện vọng được làm việc tại Khoa Da liễu và hứa sẽ phục vụ bệnh viện lâu dài. Vì vậy, sau khi vào làm việc, bệnh viện liên tục cho Huyền đi đào tạo chuyên sâu da liễu, đồng thời đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để bác sỹ triển khai các kỹ thuật mới. Tuy nhiên, sau khi đào tạo, bác sỹ Huyền chỉ phục vụ được hơn 1 năm, khi có chứng chỉ hành nghề rồi thì xin nghỉ việc.

“Bệnh viện đã đầu tư thiết bị cho bác sỹ Huyền hoạt động trên 100 triệu đồng và tiền đào tạo các kỹ thuật mới cũng tương đương. Sai lầm của bệnh viện là không làm hợp đồng ràng buộc trách nhiệm. Vì vậy, khi bỏ đi, cô ấy còn thách thức với bệnh viện là cứ theo luật pháp mà làm. Đây sẽ là bài học nhớ đời trong thực hiện thu hút và bồi dưỡng bác sỹ trẻ của bệnh viện”, bác sỹ Hà Thanh Sơn - Giám đốc BVĐK Nghi Xuân cho biết.

Chảy máu chất xám bệnh viện (bài 1): Bệnh viện công không đủ sức “níu chân” bác sỹ!

Tại phòng khám chuyên khoa da liễu BVĐK Nghi Xuân vẫn còn chiếc áo blouse đeo thẻ bác sỹ Huyền.

Bác sỹ thuộc diện quy hoạch nguồn “đầu quân” cho bệnh viện tư

Không chỉ có bác sỹ trẻ bị hấp dẫn bởi môi trường bên ngoài mà ngay cả những bác sỹ đã có thâm niên, có nhiều cống hiến của BVĐK Nghi Xuân, thuộc diện quy hoạch nguồn cũng bỏ sang “đầu quân” cho bệnh viện tư.

Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi được bệnh viện cử đi học trung cấp chính trị, đưa vào diện quy hoạch phó giám đốc nhưng sau khi học xong thì xin chuyển việc. Năm 2016, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thuộc cơ cấu phó giám đốc bệnh viện cũng “dứt áo” ra đi. Năm 2017, phó trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ CKI - bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm duy nhất của bệnh viện tuyến huyện cũng “đầu quân” cho bệnh viện ở TP Vinh…

Chảy máu chất xám bệnh viện (bài 1): Bệnh viện công không đủ sức “níu chân” bác sỹ!

Nhiều bệnh viện tuyến huyện đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sỹ trầm trọng.

Do nhiều bác sỹ bỏ đi nên việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh của BVĐK Nghi Xuân hiện nay rất khó khăn, mỗi vị trí việc làm chỉ có duy nhất 1 bác sỹ. Vì vậy, nếu 1 bác sỹ nghỉ làm vì lý do nào đó là cả hệ thống rối loạn. Ngay cả 2 phó giám đốc của bệnh viện cũng rất khó để tham gia công tác quản lý vì hầu hết thời gian phải dành cho nhiệm vụ khám chữa bệnh, trực tiếp phục vụ người dân. Đã thế, còn một số bác sỹ vẫn chưa thật sự yên tâm công tác, thậm chí những trường hợp cá biệt có lúc còn đe dọa nghỉ việc…

Hầu hết các bác sỹ trẻ chỉ quan tâm 3 điều: Chế độ đãi ngộ thế nào? Có được quyền chọn khoa mình yêu thích không? Có được đi đào tạo sớm không? Những năm trước còn có người đăng ký về khoa Ngoại, Hồi sức cấp cứu, Sản nhưng xu hướng hiện nay các em chủ yếu đăng ký vào những chuyên khoa rủi ro ít mà có thể làm ngoài được. Điều đáng lo lắng nhất hiện nay là sau khi về bệnh viện công tác, được cử đi đào tạo chuyên khoa, được cấp chứng chỉ hành nghề, các em lại bắt đầu rục rịch tìm môi trường bên ngoài.
Giám đốc BVĐK Kỳ Anh Phan Thị Xuân Liễu

Cán bộ cốt cán nghỉ chế độ 108

Trong 2 năm trở lại đây, tại BVĐK huyện Hương Khê có 1 bác sỹ CKI ngoại và 1 bác sỹ là trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh xin nghỉ việc để ra làm ở bệnh viện tư tại Nghệ An. Mới đây, 3 bác sỹ của bệnh viện nhận quyết định nghỉ chế độ 108 (Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế), gồm: Trưởng khoa Nội, phó khoa Nội và phó khoa Lây.

Điều trái ngược là chế độ 108 dành cho những đối tượng như dôi dư do rà soát, cơ cấu lại cán bộ; chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; ngành đào tạo không phù hợp; sức khỏe yếu, nghỉ làm việc quá nhiều…, nhưng với bệnh viện Hương Khê, về theo diện tinh giản biên chế lại là đội ngũ cốt cán, chủ lực lao động đang rất cần cho bệnh viện.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi về điều này, bác sỹ Nguyễn Phi Hùng (56 tuổi) - Trưởng khoa, bác sỹ CKI nội duy nhất của bệnh viện, một trong 3 bác sỹ đã có quyết định về nghỉ theo chế độ 108 trong năm 2018, trải lòng: “Hơn 30 năm gắn bó với nghề, là bác sỹ chính, nhưng thu nhập hiện nay chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cùng là bác sỹ trong bệnh viện, nhưng so với thu nhập của bác sỹ khoa Ngoại thì đã có sự chênh lệch rất lớn, đó là chưa nói đến thù lao các bệnh viện tư nhân trả cho bác sỹ hiện nay hay thu nhập từ phòng khám tư”...

Tại BVĐK Kỳ Anh, hiện tượng bác sỹ bỏ việc cũng đang gây áp lực không nhỏ lên công tác khám chữa bệnh của đơn vị. Hầu hết các bác sỹ sẵn sàng đền bù các khoản thu hút và đào tạo để được đi, cho dù có bị buộc thôi việc.

Công việc tại bệnh viện nhiều áp lực, làm việc trong môi trường quá tải triền miên, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng…, trong khi điều kiện làm việc và thu nhập ở các bệnh viện tư vô cùng hấp dẫn là lý do chính khiến không chỉ bác sỹ trẻ mà các cán bộ cốt cán, cán bộ nguồn tại các bệnh viện tuyến huyện ra đi.

Chảy máu chất xám bệnh viện (bài 1): Bệnh viện công không đủ sức “níu chân” bác sỹ!

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast