Chuyên trách dân số cấp xã và nguyện vọng được vào biên chế

Mặc dù Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2008, trong đó có quy định cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã là viên chức của trạm y tế xã, nhưng cho đến nay, đội ngũ chuyên trách dân số ở Hà Tĩnh vẫn chưa được vào biên chế. Thực tế này đã ảnh hưởng đến quyền lợi, chưa tạo sự an tâm cho đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở.

Từ năm 2006 đến nay, UBND xã Thạch Điền (Thạch Hà) đã 3 lần thay đổi chuyên trách dân số. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Tuyết đang đảm nhận công việc này. Chị Tuyết tâm sự: “Từ năm 2013, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ bị cắt nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi cố gắng phấn đấu bao lâu nay cũng là để chờ đợi cơ hội được vào biên chế, được hưởng lương, được đóng BHXH, BHYT như bao cán bộ, công chức khác”.

Nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, nhiều chị em trong độ tuổi chủ động đến với các dịch vụ CSSKSS tại địa phương.
Nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, nhiều chị em trong độ tuổi chủ động đến với các dịch vụ CSSKSS tại địa phương.

Làm việc như các chức danh khác trong văn phòng UBND xã, nhưng lại không được hưởng lương, đây thực sự là một thiệt thòi đối với chị Tuyết.

Mong mỏi được vào biên chế là nguyện vọng không chỉ riêng chị Tuyết mà là của cả đội ngũ chuyên trách dân số tỉnh nhà. 6 năm qua, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số cấp xã ở Hà Tĩnh đã có nhiều xáo trộn, những người có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề đã lần lượt chia tay công việc do thiếu một chính sách phù hợp.

Chị Lê Thị Tố Như là một điển hình như thế. Từng là chuyên trách dân số công tác tại xã Thạch Đài, chị được tín nhiệm bầu vào đại biểu HĐND xã, được tham dự các hội nghị biểu dương chuyên trách dân số giỏi toàn quốc. Thế nhưng, do chức danh chuyên trách dân số thiếu ổn định nên khi có cơ hội, chị đành chia tay công việc đã gắn bó hơn chục năm qua, bởi ở vị trí công việc mới, chị được hưởng lương, được đóng nộp BHXH, BHYT.

Với ngành Dân số Hà Tĩnh, những chuyên trách dân số có kinh nghiệm, làm việc tốt không còn gắn bó với nghề như chị Lê Thị Tố Như không phải là hiếm. 189 cán bộ chuyên trách nghỉ việc, chuyển công tác là con số thống kê sơ bộ năm 2012. Nếu không có cơ chế chính sách phù hợp, chắc chắn đội ngũ này vẫn tiếp tục ra đi. Đây chính là những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Huy Tú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Năm 2012, Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Các chỉ số về sinh con thứ 3 trở lên, chênh lệch giới tính khi sinh đều tăng. Một trong những nguyên nhân là do bộ máy làm công tác dân số thiếu sự ổn định”.

Sự gia tăng của các chỉ số tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2012 là tình trạng chung của cả nước. Trước thực trạng đó, 48/67 tỉnh, thành đã sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ chuyên trách dân số cấp xã trở thành chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Với Hà Tĩnh, kiện toàn đội ngũ chuyên trách cấp xã vẫn đang cần một hướng đi phù hợp. Để giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng đề án tổ chức bộ máy dân số cấp xã và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Những nguyện vọng của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số là hết sức chính đáng. Rất mong tỉnh sớm có chủ trương, kịp thời giải quyết, bố trí nguồn kinh phí để họ được vào biên chế theo quy định nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ dân số ở cấp xã có đủ năng lực, tâm huyết để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu về DS-KHHGĐ ở các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu dân số trên địa bàn tỉnh.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: "Việc chậm tuyển dụng biên chế cho chuyên trách dân số thời gian qua đã gây không ít khó khăn, thiệt thòi cũng như ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của đội ngũ này. Mong rằng, UBND tỉnh sớm phê duyệt dề án tổ chức bộ máy dân số cấp xã, phường, thị trấn để đưa những cán bộ đủ chuẩn vào viên chức theo quy định của Thông tư 05 của Bộ Y tế".

Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân: "Lâu nay, đội ngũ chuyên trách dân số chưa được vào biên chế, chế độ chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, từ đó đã ảnh hưởng lớn đến chính sách dân số. Chính vì vậy, việc giải quyết chế độ chính sách cho họ sẽ đáp ứng sự trông đợi của không chỉ cán bộ dân số mà của cả chính quyền địa phương. Hiện nay, chúng tôi cũng đang chờ quyết định của tỉnh, nguồn lực ở địa phương không thiếu, chỉ vướng cơ chế, chính sách. Nếu tỉnh sớm giải quyết tuyển dụng biên chế cho chuyên trách dân số, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như bố trí đúng người, đúng việc để phát huy năng lực của đội ngũ làm công tác dân số cơ sở".

Ông Phạm Bá Quyền - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Thạch Hà: "Việc sớm tuyển dụng đội ngũ chuyên trách dân số vào biên chế là một yêu cầu cấp thiết. Trong khi một số tỉnh, thành lân cận của Hà Tĩnh đã thực hiện tuyển dụng biên chế, giúp chuyên trách dân số yên tâm công tác thì tại sao Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện? Mong mỏi của họ là chính đáng và cần sớm được quan tâm, giải quyết để họ yên tâm phục vụ lâu dài, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu dân số, nâng cao đời sống dân trí, từng bước XĐGN cho các địa phương".

Bà Hồ Thị Diện - Cán bộ chuyên trách dân số xã Hồng Lộc (Lộc Hà): "Làm chuyên trách dân số đã hơn 18 năm nay, có nhiều gắn bó với công việc nên tôi hiểu được sự nóng lòng của anh chị em. Hiện nay, tôi đã 59 tuổi, không đủ tiêu chuẩn vào biên chế theo Thông tư 05 của Bộ Y tế (chuyên trách dân số phải dưới 45 tuổi) nhưng tôi vẫn rất mong đề án sớm được tỉnh quan tâm để đội ngũ chuyên trách dân số đủ chuẩn được thuận lợi hơn trong công tác, có quyền lợi xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Có vậy mới góp phần làm cho dân số được ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast