Cuối 2010 sẽ có phác đồ "chuẩn" điều trị vô sinh

Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 5.000 cặp hiếm muộn đến khám và điều trị, trong đó có khoảng 1.500 - 2.000 cặp phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và tỷ lệ thành công là 30 - 35%.

Phân lập, nuôi cấy tế bào dòng tinh điều trị vô sinh cho nam giới. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)

Phân lập, nuôi cấy tế bào dòng tinh điều trị vô sinh cho nam giới. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương trao đổi xung quanh vấn đề điều trị cho các cặp vô sinh thứ phát.

Bác sĩ có nhận định gì về tình trạng vô sinh thứ phát những năm gần đây?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến: Những lần điều tra trước cho thấy tỷ lệ vô sinh trong độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam là 13 - 15% gồm cả vô sinh nguyên phát và thứ phát. Riêng về tình trạng vô sinh thứ phát, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Tuy nhiên, từ thực tế tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và phản ánh của nhiều chuyên gia sản khoa, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang triển khai một đề tài cấp nhà nước về điều tra tỷ lệ vô sinh ở các vùng sinh thái, đưa các tiêu chí chẩn đoán và phác đồ "chuẩn" trong điều trị vô sinh tới các bệnh viện trên toàn quốc.

Đây là một đề tài quan trọng, vì để chữa bệnh, phải biết rõ nguyên nhân, những tiêu chí để xác định bệnh để đưa ra những thăm dò cần thiết. Sau đó, bệnh viện sẽ tập trung xây dựng phác đồ điều trị vô sinh chung cho cả nước (hiện nay chưa có), tránh trường hợp áp dụng phương pháp điều trị không phù hợp, tạo ra những tác hại không mong muốn.

Theo kế hoạch, đề tài này sẽ kết thúc vào năm 2010, khi đó Bệnh viện sẽ có những kết luận chính xác hơn về tình trạng vô sinh nói chung và vô sinh thứ phát nói riêng.

Có phải tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nữ giới cao hơn nam giới không?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến: Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ vô sinh thứ phát giữa nam và nữ giới là 50/50. Tại thành phố, tỷ lệ vô sinh thứ phát có vẻ cao hơn so với vùng nông thôn. Nguyên nhân có thể do sự quan tâm về sức khỏe khác nhau, môi trường sống khác nhau và đặc biệt là cách sống ở thành phố cũng khác biệt (nam giới sử dụng nhiều rượu, cà phê, thuốc lá, mặc quần chật; còn phụ nữ, chủ động nạo hút thai, sử dụng thuốc tránh thai nhiều hơn).

Vậy tỷ lệ thành công sau điều trị vô sinh thứ phát có cao không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến: Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Những trường hợp viêm nhiễm, tác nghẽn vòi tử cung, có thể can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu phẫu thuật tốt, trả lại hình thể, cấu trúc giải phẫu bình thường thì cơ hội có con trở lại rất cao.

Tuy nhiên, có những trường hợp không thể can thiệp bằng phẫu thuật vì vòi tử cung bị dính, tắc nghẽn, không thể can thiệp bằng phẫu thuật được thì buộc phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Đối với nam giới cũng vậy, tùy từng nguyên nhân mà áp dụng phương pháp điều trị phù hợp như nội khoa, ngoại khoa hay các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Cụ thể, phương pháp điều trị nội khoa (bằng hormon) có hiệu quả trong trường hợp suy giảm sinh dục. Trường hợp bệnh nhân bị vô sinh do nguyên nhân là tinh hoàn lạc chỗ thì phẫu thuật càng sớm càng có khả năng phục hồi chức năng sinh sản và tránh nguy cơ ung thư tinh hoàn do tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Việc điều trị bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng cho các trường hợp tinh trùng yếu, ít, tinh dịch đồ bất thường, xuất tinh ngược dòng.

Hiện nay, kỹ thuật điều trị vô sinh nói chung, vô sinh thứ phát nói riêng tại Việt Nam ngày một tốt hơn, nhiều bệnh nhân là người nước ngoài Pháp, Mỹ, Philippiies đã tới Việt Nam để điều trị. Tuy nhiên, các cặp vô sinh cũng cần phải kiên trì, tin tưởng vào bác sĩ và chuẩn bị trước về kinh tế.

Nhiều trường hợp thành công ngay sau một thời gian ngắn điều trị, nhưng cũng có trường hợp phải điều trị lâu dài, làm thụ tinh nhân tạo đến 7 - 8 lần thì may mắn mới mỉm cười. Tuyệt đối không nên chữa vô sinh kiểu "cầu may" hay tìm đến những địa chỉ vu vơ, dễ dẫn đến cảnh "tiền mất, tật mang"./.

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast