Để phòng tránh tai biến sản khoa

Những năm gần đây, tai biến sản khoa luôn là nỗi bức xúc. Người dân chưa hết ám ảnh từ những vụ tai biến tại Bệnh viện huyện Hương Khê những năm trước về trước thì gần đây lại liên tục xảy ra các vụ tai biến tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên. Vậy đâu là nguyên nhân và các thai phụ nên chủ động phòng tránh tai biến như thế nào?

Có một khoảng thời gian trước đây, nhiều người dân Hương Khê đã nói với tôi: “Nói thật, giờ đi đẻ không dám đến Bệnh viện huyện nữa. Nếu có điều kiện thì đi thẳng xuống tỉnh là chắc ăn nhất”.

Không chỉ có tôi mà bất cứ người nghe nào cũng đều không tỏ vẻ ngạc nhiên vì trước đó cơ sở KCB này đã xảy ra không ít vụ tai biến sản khoa. Và đó chính là nỗi ám ảnh, lo sợ.

Trước sự “khủng hoảng” về sản khoa ấy, Sở Y tế Hà Tĩnh đã trực tiếp chỉ đạo, tăng cường một bác sỹ sản khoa từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về công tác tại Bệnh viện, thực hiện chuyển giao kỹ thuật chuyên môn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Và từ đó đến nay, không còn thấy người dân bày tỏ về nỗi lo sợ khi phải đến khoa sản này nữa.

Nữ hộ sinh trạm y tế xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) chăm sóc trẻ sơ sinh

Tuy nhiên gần đây dư luận lại “nóng” lên về những vụ tai biến liên tục xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên. Riêng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2011, tại Bệnh viện này có tới 4 nạn nhân tử vong liên quan đến tai biến sản khoa, trong đó có tới 3 trẻ sơ sinh. Ám ảnh nhất là về cái chết của hai mẹ con Nguyễn Thị Thuận (ở Cẩm Nhượng). Điều đáng bàn nữa, khi nỗi ám ảnh này chưa kịp nguôi ngoai thì gần đây lại xảy ra vụ việc về sản phụ Phạm Thị Hồng, con bị chết lưu trong bụng. Cả hai vụ việc này đều có nguyên nhân từ lương tâm, trách nhiệm của y, bác sỹ Bệnh viện.

Bác sỹ Võ Viết Quang – Trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết: Tai biến sản khoa là vấn đề đáng quan tâm không chỉ riêng Hà Tĩnh mà là cả nước. Hàng năm, cả nước có tỷ lệ tai biến sản khoa rất đáng lo ngại, Riêng Hà Tĩnh, những năm gần đây đã giảm rất đáng kể. Tuy nhiên, điều băn khoăn là các vụ việc xảy ra các Bệnh viện lại thường lấp liếm, không chủ động báo cáo kịp thời. Như vụ việc tại bệnh viện Cẩm Xuyên gần đây chẳng hạn, phải đến khi báo chí lên tiếng chúng tôi mới biết?!.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sản phụ sau cấp cứu tai biến

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn cho biết: Riêng về vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên gần đây, sau khi biết thông tin Sở đã điều tra là rõ nguyên nhân về cái chết của thai nhi. Tuy nhiên, do các thông tin về quá trình khám xét lâm sàng thể hiện trong hồ sơ bệnh án không đầy đủ và sản phụ Hồng không được siêu âm tại Bệnh viện nên Hội đồng chưa đủ cơ sở để kết luận thai nhi (con của sản phụ Hồng) tử vong vào thời điểm trước lúc vào Bệnh viện hay trong quá trình theo dõi tại Bệnh viện. Tuy nhiên, có một phần trách nhiệm rất rõ ràng là về tinh thần thái độ phục vụ của kíp trực nơi đây, chưa trách nhiệm, chưa tận tâm. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện đình chỉ công tác chuyên môn của Y sỹ Lưu Thị Thanh để làm kiểm điểm và sắp xếp công tác khác. Riêng về Bệnh viện, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm chuyên môn và thái độ chăm sóc, phục vụ sản phụ Hồng đối với các cá nhân có liên quan: Trực lãnh đạo, bác sỹ trực khối ngoại ngày 29/7/2012, Trưởng khoa Sản Bệnh viện và Y sỹ Lưu Thị Thanh. Để đảm bảo hoạt động chuyên môn an toàn hiệu quả cho người bệnh và sản phụ, thai nhi, Sở đã điều động 1 bác sỹ khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên trong thời gian 6 tháng và cử 01 bác sỹ khoa Sản Bệnh viện đi học thêm chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Riêng về đội ngũ nhân lực phục vụ sản khoa trong toàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn cho rằng đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, chỉ còn 2 bệnh viện là Lộc Hà và Can Lộc chưa có bác sỹ chuyên về sản khoa, còn lại mạng lưới đội ngũ này đã cơ bản. Tại các trạm y tế xã, 100% cũng đã có nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi. Đặc biệt, Khoa Sản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát triển được nhiều kỹ thuật chuyên sâu; cấp cứu thành công các tai biến nặng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn có một đội cấp cứu thường trú, nếu có bệnh nhân nặng chỉ cần gọi thẳng cho Bệnh viện tỉnh là nhận ngay được sự hỗ trợ. Hiện Sở cũng đang tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ này bằng nhiều hình thức như cử đi đào tạo chuyên sâu; đào tạo tại chỗ; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn theo đề án 1816 đồng thời sẽ tăng cường nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, y đức, từng bước “lấp” dần những lỗ hổng bất cập còn tồn tại hiện nay.

Như vậy, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn, ngành Y tế Hà Tĩnh cũng đã và đang cố gắng nhất trong điều kiện có thể để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, để phòng tránh các tai biến sản khoa, có một yếu tố mang tính tiên quyết nữa là ý thức của các thai phụ.

Theo lời khuyên của Giáo sư Tay – chuyên gia hàng đầu về sản khoa tại Sigapo, hơn ai hết, bản thân thai phụ phải tự ý thức được việc chăm sóc và quản lý thai kỳ thật tốt vì không ai hiểu rõ bản thân mình hơn chính mình. Vì vậy, để có cuộc sinh an toàn, thai phụ nên đăng ký dịch vụ chăm sóc tiền sản tại cơ sở y tế thuận tiện nhất ngay khi biết mình có thai; kế đến là chọn cho mình một bác sỹ chuyên khoa có thể chăm sóc và theo dõi suốt quá trình mang thai và sinh nở, điều này giúp cho người bác sỹ và cơ sở y tế đó hiểu rõ tiền sử, tình trạng của bệnh nhân để có thể phát hiện, ngăn ngừa và cứu chữa kịp thời khi có tai biến. Nếu có thể, thai phụ không nên chuyển đổi quá nhiều bác sỹ hay cơ sở y tế trong suốt thai kỳ. Cuối cùng, tốt nhất là thai phụ nên đi thăm khám thai thường xuyên và thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm theo đúng chỉ định của bác sỹ. Còn nếu như do điều kiện kinh tế, đời sống, xã hội, thai không thể có bác sỹ riêng để quản lý thai kỳ xuyên suốt thì ít nhất thai phụ có thể khám thai với một bác sỹ chuyên khoa, hoặc đa khoa hoặc chuyên viên chăm sóc y tế gần nơi ở ít nhất là 3 lần trong một thai kỳ: Càng sớm càng tốt ngay khi biết có thai, lúc thai nhi được 4 –5 tháng tuổi và lúc thai 8 tháng tuổi trở đi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast