Đừng để chết vì bệnh lao!

(Baohatinh.vn) - Lao là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhận thức của người dân về căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế. Người bệnh còn có tâm lý mặc cảm, giấu bệnh nên công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nguồn lây vẫn còn tiềm ẩn cao trong cộng đồng, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân.

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24/3):

Tiềm ẩn nguồn lây trong cộng đồng

Theo kết quả điều tra của chương trình phòng chống lao quốc gia cách đây nhiều năm, Lộc Hà là một trong những địa phương có tỷ lệ người mắc lao cao, nhưng đến thời điểm này, địa phương vẫn còn rất khó khăn trong việc phát hiện và kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng.

Bác sỹ Võ Viết Quang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà cho biết: “Bệnh viện có tổ phòng chống lao gồm 3 người (1 bác sỹ, 1 thư ký và 1 người xét nghiệm). Lâu nay, tổ chỉ làm công tác tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị; cấp thuốc và giám sát điều trị lao ngoại trú; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) huyện xét nghiệm HIV cho người mắc lao và ngược lại. Tỷ lệ bệnh nhân được phục vụ không đáng kể, mỗi năm khoảng 60 người. Riêng khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng không thể triển khai vì không có kinh phí. Việc kiểm soát bệnh nhân cũng đang gặp nhiều khó khăn...”.

Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh áp dụng kỹ thuật Xpert MTB/RIF cho kết quả chỉ trong vòng 2 giờ, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh áp dụng kỹ thuật Xpert MTB/RIF cho kết quả chỉ trong vòng 2 giờ, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Đây cũng là thực trạng chung tại các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Trước đây, chương trình phòng chống lao thuộc Trung tâm YTDP huyện. Từ năm 2012, nhiệm vụ này được chuyển cho các bệnh viện đa khoa của địa phương. Từ đó đến nay, công tác phòng chống lao có những chuyển biến tích cực, bệnh nhân thuận lợi hơn trong chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ bác sỹ phục vụ công tác phòng chống lao cũng tăng lên đáng kể, từ 2 bác sỹ năm 2012, đến nay, đã có 17 người. Chất lượng điều trị theo đó được nâng lên. Tuy nhiên, công tác khám sàng lọc, phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng còn bị bỏ ngỏ vì kinh phí hạn hẹp.

Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia tỉnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh chia sẻ: “Kinh phí cho chương trình phòng chống lao quốc gia lâu nay rất hạn chế, chỉ đủ thanh toán chi phí điều trị cho các địa phương, dịch vụ xét nghiệm và tiền thuốc. Trong khi đó, các địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào chương trình. Do vậy, việc khám sàng lọc và tuyên truyền - 2 nhiệm vụ rất quan trọng gần như bị bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân hàng đầu để nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng hiện nay”.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Những năm qua, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo báo cáo của chương trình phòng chống lao tỉnh, giai đoạn 2010-2014, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao vẫn còn thấp so với thực tế. Chất lượng quản lý, điều trị chưa đồng đều, nhất là tuyến cơ sở; một số đơn vị xét nghiệm theo dõi, đánh giá kết quả điều trị chưa đúng quy trình, chất lượng, giám sát chưa chặt chẽ; kinh phí giám sát từ tuyến huyện xuống xã chưa có…

Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh cho biết thêm: “Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh phổi và các bệnh mãn tính, tiểu đường rất lớn, nhóm đối tượng này rất dễ bị lao tấn công. Bên cạnh đó, do người dân còn mặc cảm, giấu bệnh, điều trị không đúng phác đồ, không đủ thời gian nên dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc”.

Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, nhiễm và tử vong do lao, loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc lao xuống ít hơn 50 trường hợp/100.000 dân vào năm 2030, UBND tỉnh đã có kế hoạch hành động với nhiều giải pháp; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể, ngành liên quan và các địa phương.

Phòng chống lao không chỉ là việc của ngành Y tế mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cộng đồng. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả phát hiện, giám sát nguồn lây, các tổ chức, đoàn thể xã hội và các địa phương cần vào cuộc, tích cực tham gia công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, để người dân không còn mặc cảm, giấu bệnh, chủ động và tuân thủ điều trị cũng như cắt nguồn lây trong cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast