Gia tăng dân số - áp lực lớn với bệnh viện công

Sự gia tăng dân số chóng mặt đã để lại nhiều hệ lụy cho hiện tại và tương lai. Áp lực của sự gia tăng này lên bệnh viện công là một bức bối dễ nhận.

Trong những ngày cuối tháng qua, thời tiết chuyển mùa, chúng tôi có dịp vào khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Một cảnh tượng chen chúc nhau khi nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải ở trên một gường bệnh. Theo lãnh đạo khoa Nhi cho biết, cả khoa có 42 gường bệnh nhưng có lúc điều trị đến 76 bệnh nhân. Vì thế, việc nhiều bệnh nhân trên một chiếc gường là chuyện khó tránh khỏi.

Nhiều trẻ em sinh thiếu tháng được chăm sóc đặc biệt ở BV Đa khoa tỉnh.
Nhiều trẻ em sinh thiếu tháng được chăm sóc đặc biệt ở BV Đa khoa tỉnh.

Hiện nay, không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh mà hầu như ở các bệnh viện ở cơ sở lên đến trung ương việc bệnh nhân vào khám, điều trị ngày một gia tăng, gây áp lực không nhỏ cho các bệnh viện. Cảnh tượng nhiều người bệnh chen chúc làm các thủ tục nhập viện, điều trị; người đến chăm sóc bệnh nhân nằm la liệt hành lang ở các bệnh viện diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của Sở y tế, năm 2005, có 2.632.879 lượt người khám, chữa bệnh; năm 2006, có 2.806.008 lượt người khám, chữa bệnh; và năm 2010, không tính số bệnh nhân điều trị nội trú tuyến xã cũng có đến 2.327.072 lượt người khám, chữa bệnh. Công suất giường bệnh năm 2010, ở Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh lên đến 196,21%; Bệnh viện Đa khoa Đức Tho đạt 142%; Bệnh viện Đa khoa Đa khoa 118,36%; Bệnh viện Y học cổ truyền 150,54%;…

Gia tăng dân số là một trong những âp lực nặng nề của quá tải ở các bệnh viện
Gia tăng dân số là một trong những âp lực nặng nề của quá tải ở các bệnh viện

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, dân số bình quân của cả nước năm 2010 ước tính 86,93 triệu người, tăng 1,05% so với năm 2009. Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) từ 10 năm trở lại đây, hàng năm, tỉnh ta có khoảng có khoảng từ 16-20 ngàn trẻ em sinh ra.

Trong số trẻ em sinh ra mỗi năm có hàng ngàn cháu là con thứ 3 trở lên, năm 2000 tỷ lệ sinh con thứ 3 là 29,32%, năm 2009 tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 21,9% và năm 2010 tăng lên 22,2%. Đặc biệt, đối tượng sinh con thứ 3 không chỉ dừng lại ở những hộ nông dân mà những năm gần đây lại tập trung chủ yếu ở đối tượng công chức nhà nước, những gia đình khá giả. Cùng với đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng đang khá cao, số trẻ em trai đã vượt số trẻ em gái từ 113-125 bé gái/100 bé trai. Để xảy ra tình trạng gia tăng dân số, mất cân bằng giới tính như hiện nay do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tâm lý của người dân muốn có con trai nối dõi tông đường vẫn còn đè nặng. Ngoài ra, hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện khá giả nên muốn sinh nhiều con,…

Có thể khẳng định rằng, việc gia tăng dân số đã gây áp lực lớn đối với các bệnh viện công. Số người được sinh ra ngày càng nhiều nhưng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị y cụ cho ngành y tế còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị, thành phố và bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm nhưng hầu như các nguồn kinh phí đó chủ yếu là nguồn của trung ương cấp, hay các tổ chức nước ngoài tài trợ, nguồn trái phiếu chính phủ…

Với sự phát triển dân số như hiện nay thì cơ sở hạ tầng về y tế đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đó chưa nói đến, việc cần phải đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại để phát hiện sớm, chính xác và xử lý kịp thời những căn bệnh từ đơn giảm đến phức tạp trong giai đoan hiện nay. Trong khi đó, tỉnh ta là một trong những địa phương còn nghèo, mọi nguồn lực để mua sắm, xây dựng cho y tế hàng năm không đáng là bao, nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Ngoài ra, việc thu hút nhân tài, các y bác sỹ có chuyên môn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều con em địa phương sau khi học xong bác sỹ cũng kiếm việc làm ở các thành phố lớn, không chịu về quê hương. Nên một bác sỹ có thể thăm khám mỗi ngày cho 5-7 bệnh nhân nhưng hiện nay cũng có thể phải thăm khám cho hàng chục bệnh nhân. Điều đó cũng gây ra áp lực trong công việc của nhiều bác sỹ nên chất lượng khám chữa bệnh không đạt hiệu quả cao nhất cũng là việc khó tránh khỏi.

Một khi sự gia tăng dân số còn ở mức như hiện nay thì người dân để được quan tâm, chăm sóc về y tế một cách đầy đủ là sẽ khó thực hiện được trong tương lai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast