Gia tăng dân số ở vùng tái định cư

Trong mỗi nếp nhà khang trang mang dáng dấp đô thị có những gia đình 2, 3 thế hệ cùng chen chúc nhau. Đã vậy, việc kết hôn sớm, kết hôn với người nước ngoài khiến chính quyền “vã mồ hôi”. Vùng tái định cư huyện Kỳ Anh đang loay hoay chưa có giải pháp cho những áp lực gia tăng dân số.

Từ ngày chuyển lên khu tái định cư, chuỗi ngày nhàn rỗi của gia đình chị Thanh (xóm Tân Phúc Thành – Kỳ Lợi) ngày càng tăng lên. Chị Thanh tâm sự: “Không có công ăn việc làm, ngồi không cũng chán nên tôi sinh thêm cháu. Nhà tôi chỉ mới có 2 cháu nhưng có nhiều nhà sinh đứa thứ 3, thứ 4 rồi. Cũng là “nhàn cư vi…” mà ra các chị à”.

Chồng chị Thanh cho biết thêm: “Khu tái định cư chúng tôi hiện có khoảng 10 gia đình có 3-4 cặp vợ chồng thuộc các thế hệ ở chung một mái nhà. Nhà xóm trưởng cũng là một trong số đó. Niềm vui đông đủ chưa thấy đâu chỉ biết rằng sự chật chội, thiếu công ăn việc làm đã trở thành những nguyên nhân gây mâu thuẫn nội bộ ở một số gia đình”.

Khi chúng tôi hỏi thăm về công tác tuyên truyền dân số ở đây thì chị Thanh lắc đầu ngao ngán: “Tôi có bao giờ thấy họp hành tuyên truyền hay cấp bao cao su, thuốc tránh thai nào đâu!”.

Học sinh mần non của trường học tái định cư xã Kỳ Lợi ngày càng tăng
Học sinh mần non của trường học tái định cư xã Kỳ Lợi ngày càng tăng

Chị Nguyễn Thị Lan - Chuyên trách dân số xã Kỳ Liên cho biết: “Xã Kỳ Liên có hơn 50 % hộ dân chuyển về vùng tái định cư. Từ ngày chuyển về vùng tái định cư, đội ngũ cộng tác viên dân số bị thay đổi, xáo trộn. Xóm thì 2, 3 cộng tác viên nên phải cắt giảm, xóm thì không có ai nên phải thay cộng tác viên mới. Vì vậy công tác dân số gặp nhiều khó khăn”.

Bên cạnh đó, dân ở các vùng đến làm ăn rồi tạm trú ở xã Kỳ Liên ngày càng nhiều nên việc quản lý ngày càng khó khăn. Hiện tại, xã Kỳ Liên quản lý tạm trú tạm vắng gần 100 người nước ngoài nhưng theo chị Lan, con số thật lớn hơn thế rất nhiều.

Chuyện hôn nhân, quan hệ gái trai cũng đang khiến chính quyền nơi đây “vã mồ hôi”. Khi mà các công ty mọc lên như nấm, người dân các vùng khác kéo đến làm ăn mang đến nhiều luồng văn hóa khác nhau. Bây giờ ban đêm ra đường xuất hiện toàn người lạ tụm năm tụm bảy, nói tiếng tàu tiếng ta lẫn lộn.

Mới đây, cô Hoa (thôn Liên Phú) đã đăng ký kết hôn, tổ chức cưới hỏi với một người quê Thanh Hóa. Đùng cái, Hoa hủy hết tất cả mọi thứ để theo một người Đài Loan từng thuê ở trong nhà mình. Hai người lén lút qua lại với nhau, nghe đâu là vì ông này có tiền. Cũng đã xuất hiện một số trường hợp người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất. Xóm Liên Phú (Kỳ Liên) có tới 6 hộ bán đất cho người nước ngoài.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương bày tỏ sự lo lắng: “Trên địa bàn có hơn 10 gia đình cho người nước ngoài thuê ở. Bước đầu có ảnh hưởng, cái lo nhất là tình trạng lừa đảo về kinh tế đã xảy ra. Trước kia, đây là vùng thuần nông, giờ ruộng đất mất hết rồi, hiện người dân có thể làm những việc phổ thông, chân tay chứ đến lúc xây dựng xong thì biết làm gì. Lo nhất là những người trong độ tuổi 40-60”.

Hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh có trên 420 người Trung Quốc sinh sống. Họ ở tại các văn phòng, nhà dân, khách sạn. Người Trung Quốc rất khó quản lý, họ đã không trình báo như người các nước châu Âu mà còn trốn tránh sự kiểm tra. Nhiều người thuộc diện hợp đồng lao động ngắn hạn đã tìm mọi cách ở lại khi hết thời hạn. Nhiều người ở luôn trong các container tại công trường nên rất khó kiểm soát. Cũng đã có vụ 2 người Trung Quốc đánh 1 người Việt Nam. Công an huyện Kỳ Anh không được vào trong công trường Formosa nên họ chỉ kiểm tra ở các địa bàn dân cư. Đầu tháng 7, Công an huyện phát hiện 7 người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch nhưng ở lại làm việc, đã mời đến trụ sở công an nhưng họ bỏ trốn ngay sau đó.

Chính quyền các xã vùng tái định cư cũng đang loay hoay xử lý việc kết hôn sớm. Ở Kỳ Thịnh, trai gái cứ đến độ tuổi kết hôn là cưới để được cấp đất trên vùng tái định cư. Có những gia đình lập nghiệp ở miền Nam, giờ cũng ùn ùn kéo nhau về quê để được cấp đất, cấp nhà khiến cho việc quản lý dân cư trên địa bàn khó khăn lại càng khó khăn. Theo chuyên trách dân số xã Kỳ Thịnh – chị Trần Thị Thanh thì khoảng 50% nam nữ nơi đây có độ tuổi kết hôn sớm và đang có xu hướng gia tăng. Kỳ Thịnh là một xã có địa bàn rộng, dân số đông nên việc tuyên truyền dân số lại càng gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là xã khó khăn nhất trong việc di dời dân lên vùng tái định cư.

Hầu hết các xã thuộc quy hoạch vùng tái định cư đều không được hưởng lợi từ chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Xã đều phải tự liên hệ với các trung tâm y tế để đặt vòng. Công tác dân số nơi đây chủ yếu là tuyên truyền vận động nhưng khi phụ cấp dành cho đội ngũ làm công tác dân số quá thấp, lại chi trả chậm (mới có kinh phí 6 tháng đầu năm) thì rất khó để họ dành tâm huyết cho công việc.

Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Kỳ Anh, ông Lê Anh Khuân cho biết: “Tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở vùng tái định cư Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương hiện đang ở mức cao trong toàn huyện. Bản thân tôi đã nhiều lần cùng với các cộng tác viên dân số về địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện nuôi dạy con cái nhưng phải thừa nhận là không hiệu quả”.

Áp lực gia tăng dân số ở các xã vùng tái định cư sẽ kéo theo hệ lụy lên vấn đề việc làm, an sinh xã hội. Bởi vậy cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong vấn đề tạo việc làm cho người dân và làm thay đổi hành vi KHHGĐ, để đằng sau những nếp nhà khang trang mang dáng dấp phố thị không còn những nỗi lo…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast