Giải pháp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến

(Baohatinh.vn) - Hoạt động cận lâm sàng có vai trò đặc biệt quan trọng và trực tiếp tác động đến chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất nỗ lực cho hoạt động này, góp phần tạo bước đột phá trong công tác KCB. Tuy nhiên, so với yêu cầu hiện nay, hoạt động này chưa thực sự tương xứng.

Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 26 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 bác sỹ, 1 thạc sỹ cử nhân y học chức năng và 4 đại học xét nghiệm. Khoa được bố trí ở tầng 5 thuộc khu nhà phía sau bệnh viện.

Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhưng công việc của các nhân viên y tế ở đây luôn bận rộn. Hệ thống máy móc phục vụ được vận hành liên tục. Những ngày cao điểm, riêng sinh hóa, khoa làm đến 3.000 xét nghiệm. Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi làm việc phải hết sức cẩn trọng, khẩn trương nhưng phải đảm bảo độ chính xác. Mà muốn chính xác thì phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong suốt quá trình từ khi lấy mẫu bệnh phẩm, cách bảo quản, thời gian đưa mẫu… cho đến kiểm soát quá trình phân tích thông qua chế độ kiểm tra chất lượng cũng như việc sử dụng, biện luận chế độ cho bệnh nhân. Khi thấy kết quả hoài nghi thì chúng tôi phải chủ động liên hệ với bác sỹ điều trị để làm rõ nguyên nhân”…

Công việc lặng thầm nhưng áp lực, đó là chưa kể đến các nguy cơ lây nhiễm vì phòng xét nghiệm luôn là nơi tập trung tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh, từ HIV, viêm gan virus B, C, vi khuẩn tả… Mặc dù vậy, đội ngũ nhân viên ở đây vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập các kỹ thuật mới. Thời gian gần đây, lĩnh vực sinh hóa, khoa đã triển khai thành công xét nghiệm về chỉ giấy khối u trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư. Về huyết học, khoa cũng đã sản xuất được hồng cầu rửa phục vụ cho thay máu sơ sinh ở Khoa Nhi… Tuy đã có nỗ lực và tận tụy phục vụ nhưng so với yêu cầu hiện nay, năng lực hoạt động chuyên sâu về vi sinh huyết học và giải phẫu bệnh còn hạn chế. Khoa thiếu đội ngũ nhân lực cao cấp, kỹ sư vật lý phục vụ bệnh nhân ung bướu lâu nay nhưng chưa tuyển dụng được.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh cũng là một trong những bộ phận góp phần đắc lực cho chất lượng KCB. So với Khoa Xét nghiệm, đội ngũ nhân lực làm chẩn đoán hình ảnh cơ bản hơn cả về số lượng và trình độ. Khoa có 9 bác sỹ, trong đó có 1 chuyên khoa II, 1 thạc sỹ và 4 chuyên khoa I. Bác sỹ Nguyễn Minh Chính - Phó trưởng khoa cho biết: Để đáp ứng yêu cầu KCB theo hướng chuyên sâu, khoa không ngừng nỗ lực vừa phục vụ, vừa học tập và triển khai các kỹ thuật mới. Đến thời điểm này, khoa đã triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như nút mạch, chụp mạch trong điều trị ung thư gan, tán sỏi ngoài cơ thể, chụp cộng hưởng từ, city, nội soi cắt giãn thực quản, cắt pôlip đại tràng… Một số kỹ thuật chuyên sâu khác như sinh thiết phổi, sinh thiết gan, nút mạch cho bệnh nhân u xơ tử cung, chảy máu sau đẻ, sau phẫu thuật… anh em đã được chuyển giao kỹ thuật nhưng chưa có trang thiết bị, máy móc để triển khai.

Hoạt động cận lâm sàng có mối liên hệ trực tiếp đến chất lượng KCB. Hoạt động này càng chất lượng thì hiệu quả KCB càng cao. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nỗ lực kêu gọi từ nhiều nguồn để đầu tư, mua sắm hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ. Mặt khác, Bệnh viện tăng cường đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức như đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ; cử bác sỹ đi học trong nước, ngoài nước; “cầm tay chỉ việc” theo Đề án 1816…

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Thị Dung chia sẻ: Bệnh viện đã nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật mới về cận lâm sàng nhưng so với yêu cầu hiện nay thì chưa thể đáp ứng. Nhiều máy móc hiện đại cần thiết nhưng bệnh viện chưa có do chi phí quá đắt trong khi chưa tìm được nguồn đầu tư. Nguồn nhân lực làm công tác xét nghiệm cũng đang là vấn đề. Bệnh viện còn thiếu bác sỹ chuyên sâu nhưng việc thu hút rất khó vì hầu hết bác sỹ ra trường đều có tâm lý được làm ở khối lâm sàng. Mặt khác, cơ sở vật chất dành cho khối này cũng chưa đáp ứng. Bệnh viện chưa có khu nội trú cận lâm sàng dành cho những mặt bệnh về tim mạch và ung bướu…

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, chỉ cần số tiền trong 1 năm mà người dân Hà Tĩnh phải bỏ ra để chi phí cho vượt tuyến ra các bệnh viện ở trung ương là đủ để mua sắm các thiết bị hiện đại cần thiết đáp ứng yêu cầu KCB chuyên sâu hiện nay. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đội ngũ nhân lực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ, cái cần trước mắt là phương tiện. Vì vậy, Hà Tĩnh cần tính toán kỹ để đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện, để người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế cao ở nơi gần hơn, góp phần giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí KCB cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast