Khẩn trương triển khai hoạt động phòng chống bệnh MERS-CoV

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ dịch bệnh do nhiễm MERS-CoV lan truyền vào nước ta rất lớn.

Trước tình hình dịch bệnh do nhiễm MERS-CoV trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh, nhưng để chủ động phòng chống ngăn chặn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các hoạt động theo tình huống khi có ca bệnh tại Việt Nam như trong kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động, thường xuyên cập nhật các thông tin về bệnh MERS-CoV để có kế hoạch ứng phó theo tình huống diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo kịp thời các cơ sở y tế triển khai thực hiện; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhiễm MERS-CoV đầu tiên.

Cụ thể, tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý người trở về từ các quốc gia có dịch bệnh, kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, kiểm tra nhiệt độ người sốt từ 38 độ C trở lên. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp, cần thực hiện ngay cách ly, khám sơ bộ, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý đối với các trường hợp nghi ngờ này theo quy định để hạn chế lây lan.

Đối với cơ sở y tế có giường bệnh, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc men, hóa chất, khu vực, phòng cách ly, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tử vong. Thực hành tốt chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện phòng ngừa lây truyền MERS-CoV.

Đồng thời giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp viêm đường hô ấp cấp không rõ nguyên nhân, nghi ngờ mắc MERS-CoV, có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày, tiến hành lấy máu bệnh phẩm xét nghiệm, ưu tiên lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM xác định, chẩn đoán.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế cần thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế khi thăm khám sàng lọc, chăm sóc, điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp và nghi ngờ MERS-CoV; kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có dịch và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 9/5, thế giới đã ghi nhận 536 trường hợp nhiễm chủng virus mới Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông tại 17 quốc gia, trong đó có 145 trường hợp tử vong.

Tổ chức WHO nhận định trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm mới MERS-Cov tại nhiều quốc gia do có giao lưu về đi lại, du lịch và làm việc tại các quốc gia hiện đang có dịch bệnh.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh do MERS-CoV gây ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đang phối hợp với các đối tác để nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng chống bệnh này.

Vi rút MERS-CoV gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm virus này; khoảng 50% trong số đó có biến chứng nặng và tử vong.

Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, theo ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới; những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast