Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue. Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn thường sống ở những nơi bùn lầy, nước đọng xung quanh nhà hoặc các nơi ẩm thấp, tối tăm trong nhà. Vì vậy, để phòng chống sốt xuất huyết (SXH) hiệu quả, ngành Y tế Hà Tĩnh đang tập trung chiến dịch làm vệ sinh môi trường (VSMT) trong toàn tỉnh với phương châm “không có lăng quăng bọ gậy, không có SXH”.

Những năm qua, Thạch Hà là một trong những trong những địa phương có SXH diễn biến phức tạp . Vì vậy, ngành y tế địa phương xác định đây là một trong những trọng điểm phòng chống dịch SXH. Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống dịch SXH, vừa qua, Sở Y tế đã chọn Thạch Hà làm điểm tổ chức lễ mít tinh để nhằm tạo đợt tuyên truyền mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng chống SXH cho cán bộ và nhân dân địa phương.

Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Thạch Hà phun hóa chất phòng chống dịch bệnh tại các khu vực trọng điểm phòng chống dịch
Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Thạch Hà phun hóa chất phòng chống dịch bệnh tại các khu vực trọng điểm phòng chống dịch

Ngay sau lễ hưởng ứng, huyện Thạch Hà đã triển khai ngay chiến dịch làm VSMT trên toàn địa bàn. Bác sỹ Lê Công Sinh – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Thạch Hà cho biết: “Việc huy động toàn dân làm VSMT trong thời điểm này rất khó khăn vì người dân đang tập trung cho làm mùa. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả chiến dịch, huyện đã triển khai phương án tổ chức các nhóm, bao gồm các tổ chức đoàn thể và cán bộ y tế thôn, bản. Mỗi thôn xóm thành lập một nhóm và lần lượt đi hết từ nhà này đến nhà khác kiểm tra và xử lý các dụng cụ đọng nước, những điểm trú ngụ của loăng quăng, bọ gậy. Đến nay, đã có 8 xã hoàn thành chiến dịch.

Tại xã Thạch Hội, rút kinh nghiệm từ mùa dịch năm trước, năm nay, địa phương đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động phòng chống. Ngay từ đầu mùa dịch, xã đã tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng chống, chẩn đoán và phát hiện dịch bệnh. Đồng thời, địa phương thường xuyên duy trì hoạt động làm VSMT, thả cá diệt bọ gậy và xử lý các dụng cụ đựng nước.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạch Hội cho biết: Đợt dịch trước nguyên nhân là do nắng nóng, mất điện, rất nhiều người dân ngủ ngoài trời không mắc màn trong điều kiện môi trường chứa nhiều dụng cụ chứa nước tù đọng. Đây lại là thời điểm con em đi thi đại học về mang theo mầm bệnh. Ban đầu, xuất hiện sốt, người dân cũng rất chủ quan. Cho đến khi SXH xuất hiện hàng loạt người dân mới tới trạm y tế. Như vậy, khi trạm phát hiện thì dịch đã lây lan. Rút kinh nghiệm đợt dịch ấy, năm nay, trạm đã triển khai kế hoạch tăng cường giám sát về vester và ốm sốt tại nhà để kịp thời phát hiện và dập tắt mầm bệnh ngay từ ca đầu tiên. Đến nay, tình hình dịch bệnh tại xã đang ổn định; tỷ lệ bọ gậy, muỗi đang ở dưới mức cho phép. Theo kế hoạch, từ ngày 30/6 đến 3/7, toàn xã sẽ đồng loạt ra quân làm chiến dịch VSMT, diệt loăng quăng, bọ gậy.

Tại Hương Khê, chiến dịch VSMT lại được phân cấp cụ thể cho từng xã, thôn/xóm; có xã trọng điểm và thôn trọng điểm. Các xã trọng điểm về phòng chống SXH bao gồm: xã Gia Phố, Hương Vĩnh, Phú Gia và Hương Đô. Đối với các xã trọng điểm này, ngoài việc huy động toàn dân tham gia chiến dịch VSMT, huyện còn huy động đội ngũ ĐVTN và học sinh tham gia xử lý VSMT tại các khu vực công cộng và công sở.

Theo bác sỹ Trịnh Đình Văn – Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn đã hoàn thành chiến dịch VSMT. Tuy nhiên, với tình trạng nắng mưa thất thường như hiện nay thì nguy cơ bùng phát lại ổ dịch cũ rất cao. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch VSMT, Trung tâm YTDP huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, thường xuyên bám sát địa bàn và phối hợp chặt chẽ với khoa lây bệnh viện đa khoa huyện sẵn sàng ứng phó nếu có dịch bệnh xảy ra.

Với mục tiêu “Không có bọ gậy, không có SXH”, 12/12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đang tập trung triển khai chiến dịch VSMT phòng chống SXH với nhiều nội dung như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân để phối hợp trong hoạt động diệt bọ gậy, loăng quăng; thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo; lật úp các dụng cụ gia đình chứa nước không sử dụng; xử lý các hốc tự nhiên đọng nước; đậy các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng cho kín ngăn không cho muỗi đẻ trứng; thả các vào các dụng cụ chứa nước; thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước 1 lần/tuần… Hà Tĩnh phấn đấu đến ngày 3/7 hoàn thành chiến dịch VSMT phòng chống SXH.

SXH có biểu hiện là xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mực. Dịch phát triển cao điểm vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10. Vì vậy, người dân cần chủ động và tích cực phối hợp với ngành y tế vào cuộc phòng chống dịch SXH để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.

Bác sỹ Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dịch SXH diễn biến rất phức tạp. Mặc dù đã tập trung rất nhiều nguồn lực để ngăn chăn dịch SXH nhưng cứ sau 5 năm số mắc SXH trên thế giới lại tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Tại Việt Nam, công tác phòng chống SXH cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hà Tĩnh có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, lũ lụt thường xuyên xảy ra và tập quán dự trữ nước sinh hoạt trong nhà rất thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh SXH. Năm 1998, vụ dịch lớn nhất đã xảy ra với 13.200 ca mắc, 13 ca tử vong. Giai đoạn 1999-2009, số mắc có xu hướng giảm nhiều, trung bình hàng 125 ca/năm, không có trường hợp tử vong. Đến năm 2010, cùng với xu hướng trên toàn quốc, dịch SXH tại tỉnh ta lại bùng nổ và diễn biến phức tạp với 933 ca mắc tại 11/12 huyện, thị xã, thành phố, 72/262 xã, phường; tỷ lệ mắc gấp 7,46 lần so với giai đoạn 10 năm gần đây. Năm 2011, tuy dịch chưa xảy ra nhưng với điều kiện thời tiết như hiện nay thì dự báo dịch có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, cùng với chiến dịch ra quân làm VSMT diệt loăng quăng, bọ gậy, ngành Y tế cũng đã chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời nếu dịch SXH xảy ra trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast