Kiên trì mục tiêu giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

(Baohatinh.vn) - Năm 2009, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Các hoạt động của đề án, đặc biệt là công tác tuyên truyền đã thực sự tác động đến suy nghĩ của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao trong cả nước với tỷ số giới tính 112 nam/100 nữ.

Khó thay đổi quan niệm truyền thống

Cái nắng bỏng rát đã kéo những đứa trẻ trong gia đình anh An, chị Liên (thôn Nam Sơn 2, xã Cương Gián - Nghi Xuân) ra khỏi căn nhà lợp ngói xi măng, quây quần bên những trò chơi dưới bóng cây trong khoảng vườn đầy cát trắng. Nhìn 5 đứa con nhỏ ríu rít nô đùa, chị Nguyễn Thị Liên không nén nổi tiếng thở dài.

“Chồng tôi đã 3 lượt đi xuất khẩu lao động nhưng lúc được, lúc mất nên cuộc sống chưa có gì là khấm khá. Mỗi lần trở về là thêm một đứa con ra đời, đồng tiền ngày càng thiếu trước, hụt sau. Đã có lúc chồng khuyên đừng gắng nữa nhưng chưa đẻ được con trai cho chồng, thực lòng tôi băn khoăn lắm. May mà đứa thứ 5 lại là một cu cậu nên chúng tôi rất vui, đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng làm lụng, nuôi con nên người”.

kien tri muc tieu giam mat can bang gioi tinh khi sinh

Cán bộ dân số xã Cương Gián tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ cho vợ chồng anh Dương Minh An, chị Nguyễn Thị Liên (thôn Nam Sơn 2, Cương Gián - Nghi Xuân).

Cùng mong ước có con trai để thêm nhân lực đi biển cùng cha, có người nối dõi, vợ chồng anh Anh, chị Luyến (thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim - Lộc Hà) cũng phải “vỡ kế hoạch” đến lần thứ 4. Chị Luyến chia sẻ: “Cuộc sống thực sự khó khăn bởi cả 6 miệng ăn trong gia đình đều chờ vào những chuyến đi biển của chồng. Thế nhưng, niềm vui có con trai đã khiến tôi quên đi mệt mỏi”.

Với gia đình ông Sơn và bà Hà (tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An - Nghi Xuân), kinh tế gia đình khá ổn định bởi ông bà là cán bộ hưu trí, con trai làm nghề lái xe đường dài, nhưng nỗi lo canh cánh của ông bà là làm sao có cháu đích tôn để lo việc thờ tự sau này. Cố gắng đáp ứng mong ước của ông bà, đến lần thứ 4, con dâu đã sinh được đứa cháu trai.

Thực tế cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do phong tục tập quán, tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Hiện nay, việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như chọn phương pháp thụ tinh, sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối... để chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi là trai đang làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Đó cũng chính là khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự kiên nhẫn của đội ngũ cộng tác viên dân số trong quá trình tuyên truyền, vận động.

Tiếp tục thực hiện đề án - yêu cầu cấp thiết

Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, nếu không có sự can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa, Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước.

Trong xu thế chung đó, tương lai không xa, tỉnh ta cũng phải đối mặt với vấn đề có rất nhiều nam giới không có phụ nữ cân đối. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tạo sự khan hiếm phụ nữ, trong tương lai, gây thêm áp lực về kết hôn độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới. Đó cũng là nguy cơ mà phụ nữ và các trẻ em gái phải đối mặt. Do đó, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần tiếp tục được triển khai trên địa bàn.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai tại Hà Tĩnh từ năm 2009 tới nay, qua 2 giai đoạn (2009-2010), (2011- 2015). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được bao phủ trên diện rộng (hiện mới chỉ được thực hiện tại 173 xã trên địa bàn 9 huyện). Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa có chiều hướng giảm. Thế nên, để tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh được trở về theo mức sinh học tự nhiên từ 103-106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái, đòi hỏi phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động can thiệp”.

Để từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2025” với phạm vi mở rộng thêm địa bàn 32 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Lộc Hà, Nghi Xuân. Trọng tâm của đề án vẫn tập trung cho công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân và thực hiện các giải pháp kiểm soát các dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính. Với những người làm công tác dân số, đề án này sẽ tiếp thêm động lực để đưa tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng sinh học tự nhiên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast