Kịp thời xử lý dị vật trong phế quản bé 2 tuổi

Cháu Nguyễn Hồng Lĩnh (24 tháng tuổi) ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đang ăn lạc luộc thì bị vấp ngã rồi sặc, sau đó xuất hiện ho nhiều, khó thở, khò khè...

Bác sỹ Trần Xuân Sơn – Phó khoa Tai – Mũi - Họng, Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh cho biết: Qua thăm khám thì thấy phổi nhiều ran rít khi hít vào, chúng tôi đã tiến hành soi đường thở và phát hiện phế quản gốc phải có dị vật là 1/4 hạt lạc, sau đó đã tiến hành gắp dị vật.

Sức khỏe cháu Lĩnh đã trở lại bình thường (ảnh to) và dị vật được lấy ra (ảnh nhỏ)
Sức khỏe cháu Lĩnh đã trở lại bình thường (ảnh to) và dị vật được lấy ra (ảnh nhỏ)

Được biết, cháu Nguyễn Hồng Lĩnh là một trong số nhiều trường hợp được khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh gắp lấy dị vật đường thở kịp thời.

Bác sỹ Sơn cho biết thêm: hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ từ 1 - 3 tuổi. Đây là tuổi hiếu động và tò mò trước mọi vật xung quanh, trẻ chưa ý thức được về mức độ nguy hiểm. Chỉ một chút bất cẩn hay sơ sểnh của cha mẹ hay người chăm sóc, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng do bị tắc đường thở.

Bác sỹ Sơn cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi, nếu thấy trẻ ho sặc sụa, tím tái, thở nấc thì nên đưa đến các sơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt vì có nhiều khả năng trẻ bị hóc dị vật.

Những vật lạ rơi vào đường thở bị kẹt lại làm bít tắc đường hô hấp ngay gây ngạt thở cấp, nếu dị vật di động, đường thở sẽ bị bít lại và tuỳ theo tình trạng có thể dẫn tới liệt não chỉ trong vòng 6 phút.

Trẻ không thở được dễ tử vong nhanh hoặc sẽ để lại các di chứng não suốt đời nếu không được xử trí kịp thời./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast