Muối iod cho trí lực vẹn toàn

Dùng muối I ốt trong toàn dân là một chủ trương của Đảng, Nhà nước và là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sức khoẻ cộng đồng và chất lượng giống nòi. Vậy nhưng, hoạt động này tại Hà Tĩnh trong những năm gần đây dường như đang bị bõ ngỏ...

Khoa Nội tiết Trung tâm YTDP tỉnh là khoa chuyên môn có trách nhiệm lập và triển khai các hoạt động phòng chống bướu cổ (PCBC). Vậy nhưng, những năm gần đây, khoa gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo bác sỹ Phạm Nguyên Hồng - Trưởng Khoa Nội tiết cho biết, hàng năm, theo đề nghị của Bộ Y tế và bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoa có lập kế hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động rất khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí hoạt động, mặc dù khoa đã làm tờ trình xin cấp kinh phí từ lần này đến lượt khác.

Không có kinh phí để triển khai hoạt động nên các chức năng như giám sát thường quy chất lượng muối iod, hoạt động truyền thông, tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ, mua sắm các vật tư xét nghiệm, tài liệu… đều phải bõ ngõ.

Tại tuyến cơ sở, các hoạt động PCBC cũng nằm trong tình trạng chung. Hầu hết các đơn vị chỉ hoạt động mang tính chiếu lệ, lồng ghép. Chị Trần Thị Soa – Giám đốc TTYTDP Hương Sơn cho biết: “Là một huyện miền núi, các hoạt động Dùng muối iod PCBC là vô cùng cần thiết. Vậy nhưng, những năm gần đây, hoạt động được triển khai rất mờ nhạt. Không có kinh phí cho hoạt động nên TTYTDP huyện chỉ chỉ đạo các trạm y tế xã tổ chức hoạt động lồng ghép. Trung tâm có phòng khám dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng do không có phương tiện, trang thiết bị nên thực tế chỉ phát hiện được những trường hợp đã có bướu nổi, có triệu chứng rõ. Năm 1998, tỷ lệ bướu cổ của huyện còn 19,3%. Những năm gần đây, không có con số khảo sát cụ thể nhưng theo ước tính qua số lượng người dân đến khám tại trung tâm thì tỷ lệ bướu cổ vẫn còn cao. Hiện chúng tôi rất lo ngại cho vấn đề này nhưng “lực bất tòng tâm”, không có kinh phí để hoạt động, không kiểm soát được tình hình. Về muối cấp phát cho người dân, do Ban di dân miền núi phụ trách”.

Không giám sát chất lượng muối, nhất là không tổ chức truyền thông nên ý thức dùng muối iod trong người dân cũng “mờ” theo hoạt động của TTYTDP. Qua phỏng vấn nhanh của chúng tôi đối với một số người dân, hầu hết họ đều chưa ý thức đầy đủ hoặc coi thường vấn đề sử dụng muối iod hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Dung, ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) thản nhiên: “Trước đây, thấy tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên; còn kêu đi lấy muối. Lâu lắm rồi, không thấy ai nhắc đến dùng muối iod nửa cả nên chúng tôi cũng không còn để ý lắm. Muối ăn hàng ngày, chúng tôi mua mỗi lần 5, 3 yến về để sẳn trong nhà, còn dùng thêm xúp. Nói thật, có người nhắc nhở thường xuyên về sử dụng muối iod thì mình mới thấy lo sợ. Còn…”

Theo báo cáo của các Công ty sản xuất muối iod, năm 2009, tổng số lượng sản xuất và cung cấp muối trong tỉnh là 2020 tấn. Như vậy, với số lượng muối/ tổng số dân (gần 1,3 triệu) thì tỷ lệ độ bao phủ MI trên toàn tỉnh chỉ đạt 40% dân số. Mặt khác, vấn đề cần quan tâm nữa là chất lượng muối hoàn toàn chưa được giám sát theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Iod là nguyên tử cơ bản để tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp, rất cần cho sự phát triển của não và các bộ phận khác của cơ thể. Khi bị thiếu iod, chỉ số thông minh của quần thể dân cư bị giảm từ 10 đến 15 điểm; trẻ em có thể bị chậm phát triển trí tuệ và giảm sút khả năng học tập, hoạt động thể lực, bị các tổn thương não không hồi phục như đần độn, chậm trí tuệ, điếc câm…; bà mẹ mang thai có thể bị sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu hoặc sinh ra các em bé mang dị tật bẩm sinh; người lớn có thể bị bướu cổ, suy chức năng tuyến giáp, giảm khả năng lao động và học tập. Vì trí thông minh và sức khoẻ của toàn dân, thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm đến hoạt động Dùng muối iod trong toàn dân. Về phía ngành Y tế, cần chủ động, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt chức năng của ngành. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng muối và các hoạt động truyền thông trong cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast