Ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường

Hàng năm, cứ độ xuân về, bao thế hệ thầy thuốc Việt Nam lại cùng nhau tưởng nhớ đến một người “đã hiến thân cho nghề thuốc” để dựng nên “ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường” bằng tấm lòng thương dân bao la với tài năng siêu việt để bao thế hệ thầy thuốc Việt Nam hôm nay tự hào và noi theo. Người đó chính là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Kỷ niệm 220 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đầu thế kỷ XVIII, xã hội Việt Nam quay cuồng trong cơn binh lửa giữa nạn tranh giành quyền lực vua Lê – chúa Trịnh khiến trăm họ lầm than, muôn dân cơ hàn, đói rét, bệnh tật… Tại thôn Văn Xá, xã Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương bấy giờ (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), vào năm Canh Tý (1720) ngày 17 tháng 11 (âm lịch), có một con người được sinh ra mà sau này trở thành ngôi sao sáng của YHCT và hiện đại về y đức, y thuật.

Đại danh y Lê Hữu Trác, còn có tên khác là Lê Hữu Huân, sau lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Gai đình Lê Hữu Trác vốn là một danh gia vọng tộc. Thân sinh ông là Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công, sau được truy phong chức Thượng thư. Anh trai là Lê Hữu Kiểm, đậu Tam Giáp Tiến sĩ. Mẹ là Bùi Thị Thường, quê xứ Bàu Thượng, xã Tịnh Diện (nay là xã Sơn Quang), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Lê Hữu Trác đã từng học binh thư, luyện võ, đăng lính. Thống soái của Chúa Trịnh nể tài ông, bao phen tiến cử nhưng vì chán ghét cảnh binh đao, ông tìm mọi cách từ chối. Năm 1746, khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh để xin ra khỏi quân đội.

Giải ngũ, ông mang theo bệnh tật, còn phải gánh vác công việc gia đình nên sức ngày một yếu; lại sớm khuya đèn sách, không chịu nghỉ ngơi nên mắc cảm nặng, chạy chữa tới 2 năm mà không khỏi. Một ngày, ông gặp được lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chạy chữa. Trong thời gian chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông đọc sách thuốc "Phùng thị cẩm nang" hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, liền đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

Ông làm nhà cạnh rừng, đặt tên hiệu Lãn Ông (ông lười) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mới mà thấy yêu thích, gắn bó.

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông trong Khu di tích

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông trong Khu di tích

Vốn sẵn uyên thâm về thiên văn, địa lý, nhân sự và tài trong pháp thuật âm - dương nên ông học thuốc rất nhanh. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”; “thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta: Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y”.

Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính sống theo tám chữ “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời, tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Ông kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành y để mưu lợi: “bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...”.

Suốt cuộc đời hành nghề, ông càng minh chứng cho những điều nói trên. Ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi, cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau... ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Bệnh nặng cần mua thuốc tốt, ông sẵn sàng bỏ tiền để cứu bệnh nhân dù biết rằng sau này bệnh nhân không có khả năng hoàn trả. Ông luôn thận trọng và hy sinh cả những thú vui riêng tư “mang rượu trèo non, chơi bời ngắm cảnh” vì “nhỡ khi vắng mặt, ở nhà có người đến cầu bệnh nguy cấp thì phụ lòng trông mong của họ, lỡ nguy hại đến tính mạng...”. Ông hết lòng thương yêu người bệnh, đặc biệt đối với tầng lớp nghèo khổ, vợ góa con côi bởi vì Hải Thượng Lãn Ông biết rằng “kẻ giàu sang không thiếu gì người chăm sóc, người nghèo hèn không đủ sức để mời danh y”…

Ngoài đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Trong quá trình làm thuốc, ông dành nhiều thời gian viết cuốn “Y Tông Tâm Lĩnh” và dạy học. Ông không những chu đáo, thận trọng trong khám chữa bệnh, kê đơn bốc thuốc, mà còn quan tâm đặc biệt đến các trước tác.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Ông để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, trong đó, đề cập đến toàn bộ các vấn đề nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, chế biến các món ăn dinh dưỡng... Ông đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng…

Năm Tân Hợi (1791), ngày Rằm tháng Giêng, tại Bầu Thượng (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác khuất bóng, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn tiếp tục toả sáng.

Nhằm vinh danh và kế thừa tấm gương lớn, năm 2000, Bộ Y tế đã chính thức lấy ngày huý kỵ của ông làm ngày truyền thống y dược cổ truyền Việt Nam; khu di tích lịch sử văn hoá và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông được đầu tư tôn tạo, xây dựng điểm tham quan, học tập về y đức, y đạo và y thuật.

Không ngừng phát huy những “di sản” của danh y để lại, những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng trân trọng. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố một bước, đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Công tác YHCT ngày càng được củng cố; các bệnh viện đều đã thành lập khoa YHCT. Hàng năm, ngành đã tổ chức các hội nghị nhằm kế thừa các bài thuốc, phương thuốc hay. Bệnh viện YHCT đang từng bước hiện đại hoá YHCT và kết hợp YHCT với y học hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của người dân. Nhu cầu về thuốc chữa bệnh cho nhân dân đã đáp ứng đầy đủ và thuận tiện hơn rất nhiều cả về số lượng và chất lượng. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo được đặc biệt chú trọng. 100% người nghèo đều được cấp thẻ BHYT và được hưởng quyền lợi… Các chỉ số về sức khoẻ của người dân tăng lên rõ rệt.

Kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông, ngành Y tế Hà Tĩnh thi đua lập nhiều thành tích, tiếp tục tạo bước chuyển biến mới trong hoạt động; mỗi cán bộ, thầy thuốc đều hướng về danh y để không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện và cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast