Người dân Hà Tĩnh hãy yên tâm trước việc thay đổi vắc xin tiêm chủng!

(Baohatinh.vn) - Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia có thay đổi đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các phụ huynh có trẻ nhỏ. Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh về vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, thời gian này, chương trình TCMR quốc gia có thay đổi về một số loại vắc xin, đó là thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắc xin Combe Five; bổ sung thêm 1 mũi vắc xin bại liệt (IPV) nhằm củng cố miễn dịch phòng chống bệnh bại liệt Polio týp 2; tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubela bổ sung cho trẻ 1 - 5 tuổi tại 2 huyện có nguy cơ cao là Kỳ Anh và Hương Khê.

Người dân Hà Tĩnh hãy yên tâm trước việc thay đổi vắc xin tiêm chủng!

Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh trả lời phỏng vấn

- Ông có thể cho biết vì sao Bộ Y tế lại thay đổi vắc xin tiêm chủng?

Từ cuối năm 2017, Tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc thông báo ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Bộ Y tế có kế hoạch đưa vắcxin Combe Five của Ấn Độ vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia để thay thế vắc xin Quinvaxem của Hàn Quốc.

Combe Five là vắc xin có thành phần giống như Quinvaxem, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc xin này đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên thế giới. Trước khi đưa vào chương trình TCMR quốc gia, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tại 7 tỉnh trên toàn quốc cho thấy hiệu quả mang lại rất cao.

Đây là sự thay đổi bình thường và được Bộ Y tế kiểm tra, thử nghiệm rất kỹ trước khi đưa vào sử dụng. Vắc xin Combe Five đưa về Việt Nam đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Kết quả nghiệm thu cho thấy, vắc xin đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch. Loại vắc xin này cũng được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt trong sản xuất) của WHO.

Người dân Hà Tĩnh hãy yên tâm trước việc thay đổi vắc xin tiêm chủng!

Kết quả nghiệm thu của Bộ Y tế cho thấy, vắc xin đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch.

Bên cạnh thay đổi vắc xin “5 trong 1", để tiếp tục và duy trì thành quả thanh toán bại liệt, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai vắc xin bại liệt dạng uống (bOPV) phòng 2 týp (1 và 3) cho trẻ đủ 2,3,4 tháng tuổi và bổ sung 1 mũi vắc xin bại liệt dạng tiêm (IPV) phòng týp 2 cho trẻ đủ 5 tháng tuổi, dự kiến sẽ triển khai trong tháng 10/2018.

Ngoài ra, đối với Hà Tĩnh, Chương trình TCMR Quốc gia còn cấp thêm vắc xin Sởi – Rubela để tiêm bổ sung cho trẻ từ 1 - 5 tuổi ở 2 huyện có nguy cơ cao là Kỳ Anh và Hương Khê. Vắc xin sởi - rubela do Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, đã được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sử dụng trong TCMR thay thế cho vắc xin do Ấn Độ sản xuất trước đây. Việc thay đổi này sẽ giúp chương trình TCMR chủ động nguồn cung ứng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18-24 tháng tuổi.

- Việc thay đổi, bổ sung thêm vắc xin có thay đổi phác đồ, lịch tiêm của trẻ, thưa ông?

Việc thay đổi, bổ sung thêm vắc xin như nói trên không thay đổi phác đồ, lịch tiêm của trẻ. Vắc xin Combe Five vẫn tiêm theo phác đồ như Quinvaxem là đủ 3 mũi vào các thời điểm trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Những trẻ đã tiêm được 1 hoặc 2 mũi Quinvaxem sẽ tiếp tục được tiêm mũi tiếp theo bằng vắc xin mới Combe Five.

Người dân Hà Tĩnh hãy yên tâm trước việc thay đổi vắc xin tiêm chủng!

Các vắc xin mới thay thế và bổ sung đều an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi

Ngoài loại vắc xin Combe Five, tại Việt Nam hiện có vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim thế hệ mới do Pháp sản xuất), ngừa các bệnh tương tự Quinvaxem và Combe Five (chỉ khác thành phần ho gà là vô bào) nhưng được tiêm theo hình thức dịch vụ. Các phụ huynh có thể lựa chọn vắc xin và hình thức tiêm để bảo vệ sức khỏe con em mình.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh vẫn chưa được nhận vắc xin Combe Five. Giai đoạn chuyển giao vắc xin cũ và mới thường bị gián đoạn do Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng hết vắc xin cũ đã dự trữ trước đó. Hà Tĩnh còn hơn 300 liều vắc xin Quinvaxem, trong tháng 8 đã cấp cho thị xã Kỳ Anh.

Về thời gian gián đoạn tiêm vắc xin cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể yên tâm vì về mặt khoa học cho phép lịch tiêm lệch trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi nhận được vắc xin mới, Trung tâm YTDP tỉnh sẽ triển khai ngay và trẻ trong độ tuổi vẫn tiếp tục tham gia TCMR theo lịch tiêm như cũ.

Đối với vắc xin bại liệt theo đường tiêm (IPV) sẽ được tiêm khi trẻ đủ 5 tháng tuổi. Đây là vắc xin do Pháp sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia sử dụng.

Với những trẻ sinh từ ngày 1-3-2018 đã tiêm mũi vắc xin dịch vụ 6 trong 1 thì không cần phải tiêm mũi IPV, do thành phần trong vắc xin dịch vụ đã bao gồm cả bại liệt. Phụ huynh cần phải thông báo với bác sĩ khi đưa trẻ đi tiêm ngừa theo chương trình TCMR quốc gia.

Đối với vắc xin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, Bộ Y tế triển khai rộng rãi trong toàn quốc từ tháng 8 nhưng đối với Hà Tĩnh đã triển khai từ đầu tháng 4 đến nay. Sự thay thế vắc xin Sởi – Rubela vẫn đảm bảo duy trì chương trình TCMR thường xuyên, không xáo trộn về lịch tiêm cũng như chất lượng của chương trình.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Tĩnh có 262 điểm tiêm chủng cố định tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có các điểm tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu tại tất cả các bệnh viện trong toàn tỉnh.

Về đội ngũ cán bộ y tế phục vụ tiêm chủng, mỗi trạm y tế ít nhất có từ 3-4 cán bộ được tập huấn liên tục và được cấp chứng nhận đủ điều kiện thực hành tiêm chủng theo thời hạn.

Hà Tĩnh là địa phương luôn có tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao. Năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 98,4%, tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh đạt 87,2%; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 94,4% ; 7 tháng đầu năm 2018 đến nay tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 56,3%; viêm gan B sơ sinh đạt 50,3%. Vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 60,5%.

(thực hiện)

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast