Người thầy thuốc của Bác Hồ

(Baohatinh.vn) - Lương y Đặng Văn Cáp tên thật là Đặng Văn Linh, sinh ngày 19/10/1894, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Thượng Lộc (Can Lộc).

Cha ông là Đặng Văn Hữu - một nhà nho yêu nước, làm nghề đông y nổi tiếng trong vùng. Ông sớm được Bác Hồ dìu dắt, theo Bác hoạt động trong và ngoài nước. Ông là người uyên thâm về y lý, tâm huyết với nghề nghiệp, đã có công đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc đông y, châm cứu cho ngành đông y Việt Nam. Ông xứng đáng được ghi danh “Danh y của thế kỷ XX”.

nguoi thay thuoc cua bac ho

Lương y Đặng Văn Cáp

nguoi thay thuoc cua bac ho

Năm 26 tuổi, lương y Đặng Văn Cáp tham gia phong trào thanh niên yêu nước chống thực dân Pháp. Khi bị bại lộ, ông phải trốn sang Thái Lan hoạt động. Ông mở hiệu thuốc đông y để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa che mắt mật thám, hoạt động cách mạng.

Năm 1927, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho ông Thầu Chín (tên gọi của Bác Hồ lúc hoạt động ở Thái Lan). Sau một thời gian, ông mới biết ông Thầu Chín chính là Nguyễn Ái Quốc. Năm 1929, ông Thầu Chín bị bệnh, ông Cáp đưa về nhà riêng để chữa bệnh. Khi lành bệnh, ông Thầu Chín nói: “Chú chữa bệnh bằng đông y thì tốt rồi, nhưng cần học thêm tây y để sau này giúp cho nước nhà được việc gì đó”.

Năm 1930, ông được Bác giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Thái Lan. Năm 1934, ông bị mật thám Pháp bắt cùng với một số đồng chí khác, sau đó trốn tù sang Trung Quốc tìm gặp Bác. Bác giao nhiệm vụ cho ông về Nam Ninh - Trung Quốc hoạt động, được chi bộ bầu làm bí thư. Năm 1940, ông vừa chăm sóc sức khỏe cho Bác, vừa được Bác giao nhiệm vụ liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1941, ông theo Bác về Pác Pó - Cao Bằng. Lúc này, cao trào cách mạng đang lên cao, Bác giao nhiệm vụ cho ông đi cơ sở tập hợp quần chúng, chỉ đạo phong trào. Khi Bác ốm nặng ở Tân Trào thì ông đang ở xa. Được tin anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thông báo, ông về đến nơi thì Bác đã đỡ bệnh. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông tiếp tục được Trung ương giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ.

Có lần ông Cáp hỏi tôi: “Anh Hướng học đông y ở Trung Quốc có học tây y không?”. Tôi trả lời: “Tôi học ở Trung Quốc 7 năm với chương trình Trung tây y kết hợp, có học cả Trung y và tây y”. Ông nói: “Anh hạnh phúc quá”. Rồi ông nói: “Năm 1946, khi Bác về Phủ Chủ tịch làm việc, có hôm Bác sốt cao, đồng chí Trường Chinh dẫn một bác sỹ đến khám cho Bác, rồi kê một đơn thuốc đưa cho tôi. Tôi nói: “Tôi sẽ kê đơn thuốc đông y cho Bác uống thêm”. Ông bác sỹ nói: “Lúc này để Bác uống đơn thuốc này cho nhanh, đông y hãy để sau”, rồi đồng chí Trường Chinh và bác sỹ ra về”.

Sau đó, Bác nói với tôi: “Hồi ở Thái Lan, nếu chú nghe lời tôi, học thêm tây y, thì hôm nay người ta không mời ông Trần Duy Hưng đến đây. Nếu có mời đến thì lúc nãy cũng không dám gạt ý kiến của chú vì chú có cả kiến thức của đông y và tây y (ông Trần Duy Hưng sau đó được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Hà Nội)”. Tôi vô cùng ân hận, vì trước đây không hiểu được ý sâu xa của Bác. Bác thấy vậy nói với tôi: “Chú xem mạch kê đơn bốc “thuốc ta” cho tôi uống kết hợp, cho chóng khỏi để tôi còn làm việc”. Tôi liền xem mạch kê đơn và đi cân thuốc về sắc cho Bác uống, quả nhiên, hôm sau, Bác hết sốt và làm việc bình thường”.

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Bác lại cử ông về Cao Bằng công tác. Năm 1950, chuẩn bị cho chiến dịch biên giới, Trung ương cử ông sang Quảng Tây - Trung Quốc làm “Biện sự sứ” phối hợp với bạn góp phần giải phóng tỉnh Quảng Tây đang bị quân Tưởng Giới Thạch chiếm đóng. Tháng 10/1951, ông được cử làm Hiệu trưởng “Trường Dục Thanh” tại Nam Ninh - Trung Quốc, đào tạo thiếu sinh quân. Sau này, trong số học sinh ấy nhiều người là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có ông Hoàng Đức Nghi - Bộ trưởng Bộ Vật tư, Giáo sư Hồ Uy Liêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam… Năm 1957, ông về lại Cao Bằng, giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đến ngày 6/9/1959, ông được Trung ương điều về làm việc tại Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Tại Đại hội Hội Đông y Việt Nam lần thứ III năm 1960, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Trung ương hội, tiếp đó là các khóa IV, V. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa III nhiệm kỳ (1964-1971), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 22/2/1984, ông qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị), hưởng thọ 90 tuổi. Trước khi đi xa, ông đã để lại cho thế hệ sau mấy vần thơ: “Chín chục hoa niên vẫn chưa già/ Nửa phần thế kỷ mãi xông pha/ Con đường cách mạng noi gương Bác/ Phục vụ đông y nối nghiệp cha/ Việt, Thái, Trung, Xô từng hoạt động/ Công nông quân chính đã tham gia/ Hễ còn sức khỏe, còn tranh đấu/ Bách tuế trường xuân ấm phúc nhà”…

Nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast