Nhiều hoạt động phòng, chống lao có nguy cơ bị bỏ ngỏ

(Baohatinh.vn) - Bệnh lao là bệnh có thể chữa trị. Tuy nhiên, những nỗ lực trong công tác phòng, chống bệnh này hiện vẫn chưa đáp ứng...

Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3)

Đối với Hà Tĩnh, công tác phòng, chống lao vẫn còn quá nhiều khó khăn trong khi nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia năm nay lại bị cắt giảm đáng kể. Những người trực tiếp làm công tác phòng, chống lao đang thực sự lo ngại.

Bệnh nhân đến với Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Tĩnh thường đã quá nặng
Bệnh nhân đến với Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Tĩnh thường đã quá nặng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tổng số 9 triệu người mắc lao mỗi năm chiếm 1/3 số bệnh nhân không được tiếp cận với những dịch vụ cần thiết. Nhiều người trong số ba triệu bệnh nhân này sống trong những cộng đồng nghèo và khó khăn nhất thế giới, bao gồm những nhóm như người di cư, công nhân mỏ, người nghiện thuốc phiện và người làm nghề mại dâm.

Việt Nam là một trong 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao. Theo báo cáo từ Chương trình phòng, chống Lao quốc gia, số người mắc lao toàn quốc hiện cao hơn 1,6 lần so với ước tính trước đây. Tình hình bệnh lao có thể cao hơn do có một số lượng đáng kể các bệnh nhân lao chưa được chẩn đoán và điều trị. Đây là nguồn lây quan trọng trong cộng đồng.

Tại Hà Tĩnh, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo dự báo tình hình bệnh lao còn quá nhiều lo ngại. Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Trương Hồng Lĩnh chia sẻ: Mặc dù đã có sự hỗ trợ đắc lực của chương trình phòng, chống lao quốc gia và sự quan tâm của tỉnh nhưng công tác phòng, chống lao tại Hà Tĩnh còn quá nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng được. Mạng lưới cán bộ chống lao ở các tuyến còn thiếu, biến động nhiều, đặc biệt là thiếu bác sỹ; trang thiết bị phục vụ cũng còn thiếu và chưa được trang bị hiện đại; nguồn kinh phí cho công tác còn quá hạn hẹp. Mặt khác, sự mặc cảm đối với bệnh lao vẫn còn quá nặng nề; tình trạng dấu bệnh còn phổ biến trong toàn dân càng tăng thêm sự khó khăn trong công tác phòng, chống lao.

Với chủ đề “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh Lao” cho Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới muốn phát đi thông điệp: Bệnh Lao có thể chữa trị nhưng những nỗ lực hiện nay của chúng ta trong việc tìm kiếm, điều trị và cứu chữa tất cả người bệnh Lao là chưa đủ. Chủ đề này được thiết kế nhằm khuyến khích chiến dịch ở hai khía cạnh, một mặt hành động kêu gọi sự ủng hộ của toàn cầu, một mặt đưa ra các cơ hội cho các chương trình phòng, chống Lao quốc gia, các cộng đồng và cá nhân để họ chứng tỏ những đóng góp của họ vào mục tiêu toàn cầu này.

Một biểu hiện đáng lo ngại nữa là hầu hết bệnh nhân khi đến điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đều đã ở tình trạng nặng. Đây không chỉ là nguyên nhân khiến bệnh viện không đạt chỉ tiêu giường bệnh/năm mà nguy hại hơn là về sức khỏe bệnh nhân. Bác sỹ Phan Ngọc Lan – Trưởng Khoa Lao ngoài phổi trăn trở: “Hầu hết bệnh nhân vào điều trị đều đã ở tình trạng nặng nên quá tình chăm sóc điều trị càng khó khăn và khả năng phục hồi sức lao động bị hạn chế. Theo nắm bắt của chúng tôi thì có hai nguyên nhân chính, bao gồm nguyên nhân liên quan đến Quỹ BHYT của tuyến dưới và sự mặc cảm của người dân. Nhiều bệnh viện vẫn còn cố tình giữ chân bệnh nhân nên chuyển tuyến chậm; nhiều bệnh nhân chữa trị khắp nơi mọi chốn không thuyên giảm mới đến bệnh viện…

Đối với nguyên nhân thứ hai lại còn là căn nguyên gây tỷ lệ kháng thuốc gia tăng vì không tuân thủ điều trị. Đây là một nguồn lây hết sức nguy hiểm trong cộng đồng.

Như vậy, cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được nguồn lây trong cộng đồng. Y sỹ Trần Văn Anh, phụ trách chương trình phòng, chống Lao tại xã Thạch Bằng cho biết: Hiện rất khó quản lý bệnh nhân lao. Trước đây bệnh nhân được tiêm tại trạm thuận lợi cho theo dõi và giám sát, nắm bắt tình hình nhưng từ khi chuyển chương trình về tại Bệnh viện Đa khoa huyện thì trạm chỉ có vai trò cấp giấy giới thiệu, vì vậy rất khó giám sát và nắm bắt tình hình bệnh nhân. Với đặc thù địa phương thì điều này rất lo ngại vì chiếm phần lớn dân số ở đây là giáo dân, thường sinh hoạt tập trung trong nhà thờ hoặc theo từng nhóm tại các gia đình để đọc kinh, nguy cơ phát tạn nguồn lây rất cao trong khi đó công tác truyền thông từ trước đến nay chưa được quan tâm. Nếu như có được chương trình truyền thông trực tiếp về phòng, chống Lao tại các thôn, xóm thì sẽ rất hiệu quả.

Năm 2014, Chương trình phòng, chống Lao tỉnh lại đang đối mặt với một thách thức vô cùng lớn. Từ trước đến nay, nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống llo chủ yếu phụ thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia nhưng năm nay nguồn kinh phí này bị cắt giảm hơn nửa. Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trương Hồng Lĩnh lo ngại: Năm nay, ngân sách từ chương tình mục tiêu bị cắt giảm đáng kể, thay vào đó trung ương yêu cầu địa phương cung cấp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mọi hoạt động vẫn còn phụ thuộc vào nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia. 260 triệu/năm, nếu tính ra chỉ đủ tiền vận chuyển thuốc từ cấp trung ương về xã và phục vụ các cuộc tập huấn ở cấp Trung ương là hết. Còn các hoạt động hết sức quan trọng khác như tổ chức phát hiện chủ động, trả tiền công cho thầy thuốc phục vụ tại cộng đồng, kinh phí xét nghiệm AFB­+ , tiền mua thuốc do chương trình cấp thiếu, tiền giám sát, tổ chức tập huấn hoàn toàn chưa có…

Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2014, Bệnh viện Phổi trung ương đã có hướng dẫn tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm tạo đợt cao điểm và độ bao phủ rộng rãi để đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng, chống lao cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, cũng do hạn chế về nguồn kinh phí nên chiến dịch truyền thông này tại Hà Tĩnh xem ra rất trầm lắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không có kinh phí nên hoạt động truyền thông từ tỉnh đến cơ sở chủ yếu là lồng ghép; không tổ chức được các chương trình truyền thông theo đúng yêu cầu.

Bệnh lao không chỉ là vấn đề sức khỏe người dân mà còn là một gánh nặng về kinh tế, nhất là khi biến thể kháng thuốc của bệnh lao phổi lan rộng. Thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm, có đầu tư đúng mức cho công tác này. Mặt khác, cả hệ thống chính trị, cộng đồng cần chung tay cùng ngành Y tế hướng tới mục tiêu đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các chương trình phòng, chống lao, đảm bảo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và từng bước loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast