Phòng chống bệnh không lây nhiễm: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

(Baohatinh.vn) - Bệnh không lây nhiễm tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ bệnh không lây nhiễm có thể phòng ngừa.

Phát triển kỹ thuật cao tại chỗ

Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Những người mắc các bệnh không lây nhiễm thường phải điều trị suốt đời. Nếu không được chăm sóc, kiểm soát tốt thì nhiều yếu tố nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng có thể xảy ra.

phong chong benh khong lay nhiem can su no luc tu nhieu phia

Tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường

Để giảm gánh nặng kinh tế và giảm phiền hà cho bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành y tế Hà Tĩnh đã nỗ lực và tạo được những chuyển biến đáng ghi nhận. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã thành lập và không ngừng mở rộng, phát triển các kỹ thuật mới ở Khoa Ung bướu, đồng thời là bệnh viện hạt nhân của Bệnh viện Bạch Mai.

Đến thời điểm này, Khoa Ung bướu BVĐK tỉnh đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về điều trị ung thư. Cùng với đó, BVĐK tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai đề án Tim mạch can thiệp để tạo điều kiện cho bệnh nhân được thụ hưởng nhiều kỹ thuật ngang tuyến trung ương ngay trong tỉnh.

Bệnh nhân Hồ Thị Chương, quê ở xã Phù Lưu (Lộc Hà) đang điều trị ung thư vú tại Khoa Ung bướu BVĐK tỉnh cho biết: “Tôi đã được phẫu thuật và đang có chỉ định điều trị hóa chất theo chu kỳ”.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tất cả đều đã triển khai đơn vị quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp để tư vấn, điều trị dự phòng cấp II cho nhóm bệnh nhân này. Mô hình được duy trì và phát triển hiệu quả từ nhiều năm nay. Như BVĐK thành phố, đến nay đã có hơn 15.000 bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp được quản lý theo hồ sơ.

Bà Trần Thị Lan (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi khám phải chờ đợi rất mệt, nhưng từ khi có đơn vị quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp, chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi tháng, chúng tôi đến khám, tư vấn và lấy thuốc 1 lần. Khi có những biểu hiện khác thường thì gọi điện tư vấn và được các bác sỹ tận tình hướng dẫn”.

Hướng tới dự phòng bệnh là chính

Triển khai chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2017-2025, gần đây, Sở Y tế đã triển khai xây dựng mô hình điểm quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại 4 trạm y tế xã, bao gồm: Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), Hương Vĩnh (Hương Khê), Trung Lễ (Đức Thọ) và Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh).

phong chong benh khong lay nhiem can su no luc tu nhieu phia

Đơn vị quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp của BVĐK thành phố đã lên tới hơn 15.000 hồ sơ.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chia sẻ: “Nhiều nguy cơ bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được, do vậy, về lâu dài, ngành y tế sẽ hướng tới mô hình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Ví dụ như mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại xã, qua triển khai khám sàng lọc bệnh nhân tại 4 xã xây dựng mô hình đã phát hiện 1.303 người bị tăng huyết áp. Nếu quản lý tốt nhóm bệnh nhân này ngay tại cơ sở sẽ giúp người bệnh giảm được các biến chứng, giảm gánh nặng cho y tế cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.

Trước tình hình dịch tễ bệnh không lây nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh trong cộng đồng chưa phát hiện được còn khá cao, Sở Y tế đã có kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu chung: Khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó, ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh mạn tính như: Gan, thận, bệnh khớp.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế tập trung vào nhóm giải pháp về lĩnh vực y tế dự phòng (phòng bệnh là chính) và nâng cao năng lực y tế cơ sở, tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh không lây nhiễm. Ngành y tế đang triển khai sáp nhập các BVĐK huyện với các trung tâm y tế dự phòng huyện và đưa hệ thống trạm y tế về quản lý theo ngành dọc, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện mục tiêu này.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tích cực vào cuộc trong xây dựng môi trường sống lành mạnh cho nhân dân như hạn chế rượu bia, thuốc lá, khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh nhằm ngăn chặn từ đầu nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

>> Ám ảnh từ những “làng... ung thư”!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast