Phòng chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu “3 không”

Đã 3 thập niên trôi qua, kể từ khi loài người phát hiện ra bệnh dịch HIV/AIDS, căn bệnh này vẫn còn dai dẵng “tấn công” loài người. Nó đã “có mặt” ở tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới và đã gây những hệ lụy không nhỏ. HIV/AIDS không còn đơn thuần chỉ là vấn đề sức khỏe, y tế. Ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã vào cuộc quyết liệt về phòng chống HIV/AIDS và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn còn đứng trước những thách thức mới, yêu cầu mới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và mỗi người dân vào cuộc một cách trách nhiệm hơn nữa.

Người có H hành động đẩy lùi…H!

Có lẽ do đặc thù nghề nghiệp nên tôi thường có dịp tiếp xúc với những người có H. Điều họ khiến tôi luôn ngạc nhiên qua mỗi lần gặp lại là dường như càng ngày họ càng trở nên lạc quan, hạnh phúc hơn.

Chị Nguyễn Thị Liên, quê ở Hồng Lĩnh, một người nhiễm H cách đây đã 6 năm, tình cờ tôi gặp lại ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã vui vẻ thốt lên: “ Chị ơi, giờ các thành viên trong CLB “Vì ngày mai tươi sáng” không còn ủ rủ, rụt rè như ngày xưa nữa đâu. Giờ ai cũng lạc quan sống. Nhiều người đã có người yêu…”

Liên kể cho tôi nghe khá tường tận về cuộc sống của từng thành viên trong CLB. Cái Mơ, cái Hà nó tự tin lắm, nó đã tham gia cuộc thi duyên dáng dấu cộng năm 2010 và đã lọt vào top 15 người đẹp dấu + toàn quốc. Cái Mơ giờ đã có người yêu; còn cái Hà… có một người không có H đem lòng yêu thương. Còn cái Trang nữa, nó đã kết hôn với một thầy giáo (cũng có H.) và đã sinh được một em bé 4 tháng tuổi. Đáng vui hơn là kết quả xét nghiệm lần đầu của bé cho âm tính với H. Gia đình nó giờ luôn rộn vang tiếng cười…

Nhân viên trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh kiểm tra sức khỏe, tư vấn

và cấp thuốc ARV cho người bị nhiễm

Không chỉ lạc quan, vui sống, chăm lo xây dựng hạnh phúc mà những người có H còn tích cực tham gia các hoạt động đẩy lùi H. Chị N.T.M.A – Chủ nhiệm CLB “Vì ngày mai tươi sáng” cho biết: Các thành viên CLB đã hẹn nhau mỗi tháng đến trung tâm lấy thuốc 1 lần để gặp nhau và cùng tham gia sinh hoạt. Về sinh hoạt thì mỗi tháng một chủ đề, tập trung vào các vấn đề động viên nhau lạc quan sống khỏe, sống có ích và ý thức giữ gìn, tránh lây nhiễm cho người khác. CLB thu hút các thành viên ngày một đông. Riêng các thành viên ở Hương Sơn thì đã tách thành một CLB khác, tổ chức sinh hoạt trên địa bàn Hương Sơn.

Nhiều thành viên trong CLB là đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS. Họ tích cực tham gia nhiều hoạt động giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng, nhất là tại các điểm nóng. Đối với đồng đẳng viên là nữ, các chị đã thâm nhập, tiếp cận các đối tượng là gái mại dâm, gái mát xa để tư vấn về phòng lây nhiễm HIV/AIDS, phát bao cao su phòng lây nhiễm cho các đối tượng. Còn đối với đồng đẳng viên nam lại thâm nhập vào các điểm nóng về chích ma túy, phát bơm kim tiêm, nước cất và hướng dẫn dự phòng lây nhiễm cho các đối tượng, đồng thời, thu gom các bơm kim tiêm bẩn.

Với những hoạt động này, các đồng đẳng viên đã trực tiếp nhắc nhở được nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao dự phòng về lây nhiễm, góp phần quan trọng đẩy lùi con số mắc mới.

Hướng đến mục tiêu “3 không”

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, dịch HIV/AIDS đã làm cho hơn 30 triệu người chết do AIDS; khoảng hơn 7000 người nhiễm mới HIV mỗi ngày; gần 34 triệu người nhiễm HIV/AIDS đang sống trên thế giới; có 16 triệu trẻ em dưới 15 tuổi mồ côi do AIDS. Chi phí cho phòng chống HIV/AIDS không ngừng gia tăng. Năm 2001 là 1,8 tỷ USD, đến năm 2010 đã lên tới 16 tỷ USD. Như vậy, với con số này, HIV/AIDS không chỉ là vấn đề sức khỏe, y tế đơn thuần.

Đối với Việt Nam, đã chủ động ứng phó với dịch bệnh này ngay từ khi chưa phát hiện ca bệnh đầu tiên. Đặc biệt, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt bằng cách huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của tất cả các lượng lượng xã hội. Nhờ vậy, đến nay, Việt Nam đã kiềm chế được sự lây lan của HIV ở mức dưới 0,3% dân số; đã trở thành điểm sáng vể phòng chống HIV của quốc tế.

Tại Hà Tĩnh, các chương trình giảm thiểu tác hại, truyền thông thay đổi hành vi được triển khai thường xuyên, đặc biệt chú trọng tập trung đẩy mạnh cho các nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, hoạt động mại dâm, nhóm di biến động… Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình dịch có xu hướng chững lại và tương đối ổn định. Hiện tại, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là 0,01%.

Đặc biệt, Hà Tĩnh còn làm tốt công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Hiện có gần 150 bệnh nhân đang được trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh quản lý và điều trị ARV. Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Phúc, hiệu quả đáp ứng của chương trình rất tốt. Vì vậy, hầu hết các bệnh nhân ban đầu tiếp cận rất e ngại nhưng sau một thời gian thì trở nên tự tin. Đến nay, chiếm hơn 90 % bệnh nhân được quản lý và điều trị theo chương trình đều khỏe mạnh, đặc biệt trong đó có những người đã bị nhiễm 20 năm. Số bệnh nhân còn lại là do họ tiếp cận với chương trình hơi muộn, khi các nhiễm trùng cơ hội đã tấn công.

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn nhiều thách thức. Hiện đã có 12/12 huyện, thị, thành phố có người nhiễm; độ bao phủ hoạt động truyền thông, giáo dục còn thấp; vẫn còn tìn trạng đối xử phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; chưa theo dõi và quản lý được các chỉ số về STI tại các phòng khám tư nhân… Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt phòng chống HIV/AIDS.

Tiến sỹ Đường Công Lự - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: HIV/AIDS không chỉ là vấn đề sức khỏe mà nó còn đe dọa sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải tiếp tục được coi là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phức tạp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân.

Hưởng ứng chủ đề chung cho các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS “Hướng tới mục tiêu 3 không (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS)” năm nay, Hà Tĩnh tập trung “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm 50% các ca nhiễm mới ; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người TCMT; tất cả những người nghiện ma túy nhiễm mới đều được dự phòng.

Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, rất cần sự tham gia một cách có trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast