Sức lan tỏa từ hội thi “Tuyên truyền quy tắc ứng xử trong ngành Y”

Hội thi “Tuyên truyền quy tắc ứng xử trong ngành y tế” do Sở Y tế tổ chức vừa qua hết sức ý nghĩa. Hội thi không chỉ dừng lại ở những phần thi, những thể hiện xuất sắc của các thí sinh, những tràng pháo tay tán thưởng mà hơn hết là sức lan tỏa của nó. Từ hội thi, phong trào thi đua thực quy tắc ứng xử tại các bệnh viện đã, đang và sẽ có bước chuyển biến mới.

Mỗi tiểu phẩm, một tấm lòng

Trong 3 phần thi (màn chào hỏi, kiến thức, tiểu phẩm) mà các đội thi "Tuyên truyền quy tắc ứng xử trong ngành y tế" bắt buộc phải trải qua, phần thi tiểu phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người xem. Những câu chuyện, những tình huống rất đời thường, diễn ra thường xuyên tại các cơ sở KCB trong tỉnh đã được sân khấu hóa một cách rất sinh động, sâu sắc.

Tiểu phẩm "chuyện ở phòng khám" của đội bệnh viện Đa khoa Đức Thọ

Mở màn là câu chuyện “Lương tâm và trách nhiệm” của bệnh viện Can Lộc. Chuyện kể về đôi vợ chồng nông dân nghèo khi nghe tin con trai bị tai nạn. Vì nghĩ là đến bệnh viện trước hết phải có tiền nên hai vợ chồng chỉ lo tính chuyện tiền nong. Nhưng tính mãi, đợi đến khi… người bạn của con đến giục giã phải tới bệnh viện gấp. Tới nơi, cả hai vợ chồng đều trực tiếp chứng kiến việc con mình đã được các bác sỹ tận tâm cứu sống. Hai vợ chồng đều ngớ người ra, không ngờ, chính bản thân họ lâu này đã có cách nghĩ thiên lệch về đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện.

Rồi câu chuyện từ Đội thi của bệnh viện Đức Thọ. Tuy không có mâu thuẩn, không gây sự hồi hộp cho khán giả nhưng câu chuyện đã nhẹ nhàng thẩm thấu và mỗi người xem như chính tính cách của người “lương y như từ mẫu”. Câu chuyện thể hiện sự ứng xử thường ngày tại bàn đón tiếp bệnh nhân; việc xử lý tình huống ưu tiên các đối tượng của nhân viên y tế. Câu chuyện đã mang đến thông điệp: Tâm lý người dân đi khám bệnh ai cũng muốn được khám trước. Vì vậy, cùng với sự hướng dẫn thì sự giải thích của nhân viên đón tiếp rất cần thiết, tạo niềm tin, sự hài lòng của bệnh nhân đối với nhân viên phục vụ, bệnh viện.

Phần thi tiểu phẩm của đội bệnh viện Đa khoa Thạch Hà

Câu chuyện “Nghĩa tình lương y với biển đảo” của bệnh viện Nghi Xuân lại biểu hiện một góc độ khác. Chuyện kể về nhân viên bệnh viện chăm sóc con của một chiến sỹ hải đảo. Qua chăm sóc, người điều dưỡng viên phát hiện bệnh nhi có những biểu hiện khác thường nên đã chủ động dừng tiêm thuốc theo y lệnh cho bé. Và người điều dưỡng đã tìm ra nguyên nhân cháu bé có biểu hiện khác thường là do bà nội của cháu tùy tiện cho uống thuốc đạm quá liều. Nhờ vậy, đã tránh được nguy hiểm cho bé, để cho người bố của bé yên tâm canh giữ biển đảo quê hương. Câu chuyện còn kèm theo một thông điệp khuyến cáo: người nhà không nên tùy tiện cho bệnh nhân uống thuốc, dù đó là thuốc bổ khi chưa có lời khuyên của bác sỹ!

Còn những câu chuyện đến từ các đội thi của bệnh viện Thạch Hà và bệnh viện Đa khoa tỉnh lại thể hiện một cách rất sâu sắc nhất những bức xúc của người dân tại các cơ sở KCB hiện nay cũng như những trăn trở của người trong ngành. Đó là hiện tượng bác sỹ chểnh mảng công việc, chỉ ưu tiên, tận tâm với những người có tiền. Cùng với những băn khoăn, trăn trở đó, các câu chuyện cũng khẳng định một niềm tin son sắt: Bên cạnh một bác sỹ lệch lạc sẽ luôn có một bác sỹ tận tâm, trách nhiệm…

Bác sỹ Hoàn Thanh Lực – Giám đốc bệnh viện Thạch Hà, tác giả tự biên tiểu phẩm của đội bệnh viện Thạch Hà cho biết: “Tiểu phẩm được xây dựng xuất phát từ ý tưởng hiện thực và giáo dục. Thực tế hiện nay có một bộ phận bác sỹ làm việc không theo đúng lời thề Hypocrat như đã thề khi mới bước vào nghề. Có nhiều nguyền nhân từ cuộc sống những điều quan trọng nhất là chúng ta phải dẫn dắt được họ đi về đúng con đường của mình đã chọn, để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe”.

Tiểu phẩm "Một phút xao lòng" của Đội bệnh viện Đa khoa tỉnh

Bác sỹ Nguyễn Văn Diệu, người thể hiện vai bác sỹ trẻ “tận tâm vì tiền” của Đội bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chia sẻ: “Nguyên nhân về đời sống là nguyên nhân chính làm cho bác sỹ lệch lạc với tôn chỉ của nghề. Thực tế hiện nay, thu nhập của bác sỹ quá thấp, lương không đảm bảo được đời sống, trong khi đó công việc rất vất vả, áp lực.

Hơn nữa, người dân cũng chưa thực sự chia sẻ với công việc của nghề y, thường gây áp lực đói với bác sỹ. Nhân vật tôi thể hiện đã được thức tỉnh bởi một người đồng nghiệp đi trước. Qua nhân vật này tôi muốn gửi đến mọi người một thông điệp: Hãy tin chúng tôi và hãy chia sẻ với chúng tôi!”.

Sức lan tỏa của hội thi

Xem hội thi, mỗi một khán giả đều hài lòng mỗi một chi tiết, mỗi một câu chuyện. Hài lòng vì nó phản ánh toàn diện được tất cả các mặt của việc thực hiện quy tắc ứng xử của ngành y tại các cơ sở KCB hiện nay. Và hơn hết, nó còn toát lên tấm lòng cao quý của người lương y “coi nghề thầy thuốc mà họ đã chọn như một con đường cứu giúp người và giúp đời”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình tặng hoa chúc mừng các Đội thi vào vòng chung kết

Ông Nguyễn Xuân Lâm, ở phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) vui vẻ: “Hội thi hay lắm! Tôi chỉ vào xem cho vui không nghờ lại ý nghĩa đến thế. Qua đây, chúng tôi thực sự hiểu và chia sẻ với nghề y hơn”.

Ông Đoàn Hữu Đủ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Y tế, Phó BCĐ hội thi “Tuyên truyền quy tắc ứng xử trong ngành y tế năm 2011 về tham dự hội thi cũng phấn khởi: Không khí hội thi rất tưng bừng; sự chuẩn bị rất công phu. Hội thi đã thể hiện được sự hiểu biết, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, viên chức ngành Y tế, nhân dân trong việc xây dựng bệnh viện thân thiện và khơi dậy lương tâm, ý thức tự giác, chia sẻ cũng như đề cao tinh thần đồng chí, đồng nghiệp và sự tôn vinh của xã hội đối với người thầy thuốc.

Tôi mong rằng, từ hội thi, mỗi thí sinh tham gia cuộc thi, mỗi cán bộ công nhân viên ngành y tế, mỗi đơn vị KCB, ngành y tế Hà Tĩnh sẽ nhìn lại mình để hiểu mình hơn, để phát huy những mặt đúng và hoàn thiện những điều chưa làm được để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn nữa đúng như mục đích của hội thi do Bộ phát động.

Ban tổ chức trao giải nhất cho Đội thi bệnh viện Đa khoa tỉnh

Hội thi thực sự đã tạo được không khí sôi nổi, hứng khởi xen lẫn niềm sẻ chia, cộng hưởng giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa nhân dân với ngành Y; tạo lực mới để ngành y tế Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành y tại các cơ sở KCB một cách hiệu quả.

Bà Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cùng với rèn luyện tay nghề, kỹ thuật, nghề y đòi hỏi cao lương tâm và trách nhiệm. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay đã có những tác động không nhỏ đến đội ngũ thầy thuốc.

Cuộc thi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cán bộ công nhân viên trong ngành ý thức lại bản thân, nghề nghiệp mình một cách sâu sắc hơn, từ đó để có những ứng xử chuẩn mực trong nghề, tạo niềm tin cho người dân.

Hội thi đã tạo đợt học tập sôi nổi về quy tắc ứng xử trong ngành y tế tại tất cả các cơ sở KCB trong tỉnh. Và đây sẽ là chiếc “đòn bẩy” mới để ngành đẩy mạnh phong trào thực hiện quy tắc ứng xử trong nghành Y tế tại các cơ sở KCB. Và cùng với việc triển khai thực hiện NQ 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tin chắc rằng ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ có bước đột phá mới, tiếp tục làm tốt công tác CSSKND cũng như giữ gìn và phát huy những tôn vinh của người dân đối với ngành Y.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast