Tăng giá dịch vụ y tế - hướng tới lộ trình BHYT toàn dân

(Baohatinh.vn) - Từ 1/3/2016, có hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

Câu hỏi tuần này

Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh
Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh

- Thưa ông, theo quy định thì từ ngày 1/3/2016, rất nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Việc tăng giá dịch vụ y tế lần này được quy định rõ tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính, quy định giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ quỹ BHYT. Ngoài tiền lương, giá ngày giường điều trị có tính phụ cấp thường trực; các phẫu thuật, thủ thuật theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hưởng phụ cấp thì có tính chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá. Nên mức tăng của các dịch vụ rất khác nhau. Tính bình quân của tất cả các dịch vụ thì mức giá thực hiện từ 1/3/2016, gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay, từ 1/7/2016, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Thông tư này quy định giá dịch vụ BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trước mắt, áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ BHYT mà phần lớn chi phí khám chữa bệnh (KCB) do BHYT chi trả, chưa áp dụng đối với nhóm người bệnh không có BHYT, đang tự chi trả viện phí.

Việc ban hành thông tư này nằm trong lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT do bệnh viện được BHYT thanh toán với mức giá đã bao gồm các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, nên các bệnh viện sẽ không được thu và người bệnh không phải chi trả thêm hoặc tự mua một số loại vật tư, hóa chất, thuốc mà trước đây chưa tính vào giá. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

- Nhiều người dân băn khoăn: giá dịch vụ y tế tăng, liệu chất lượng KCB có được nâng lên?

Trước hết, tăng giá dịch vụ y tế lần này có liên quan đến việc tính tiền lương, phụ cấp của cán bộ, viên chức y tế. Trước đây, tiền lương do ngân sách bảo đảm, nay do quỹ BHYT và người bệnh chi trả nên việc nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ là yêu cầu tất yếu, sống còn đối với các bệnh viện; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện thông tuyến BHYT tuyến huyện như hiện nay, nếu các cơ sở KCB không nâng cao được chất lượng dịch vụ thì sẽ không thu hút được bệnh nhân, không tạo được nguồn thu.

Mặt khác, khi giá dịch vụ y tế tăng, các cơ sở KCB có điều kiện về mặt ngân sách để chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thuê chuyên gia, tái đầu tư bệnh viện theo nhu cầu phát triển.

Giá dịch vụ y tế tăng, các cơ sở KCB có điều kiện tái đầu tư theo nhu cầu phát triển.
Giá dịch vụ y tế tăng, các cơ sở KCB có điều kiện tái đầu tư theo nhu cầu phát triển.

- Việc tăng giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thưa ông?

Trước mắt, có thể khẳng định, việc tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân vì trong khoảng thời gian này mới chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ BHYT; các đối tượng khác vẫn áp dụng mức giá cũ.

Đối với người nghèo theo chuẩn quy định, được Nhà nước mua thẻ BHYT nên khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% chi phí KCB. Đối với người cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ BHYT…

Đối với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ không nhiều. Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Về chiến lược, tăng giá dịch vụ y tế hướng tới lộ trình BHYT toàn dân, theo đó, nguồn BHYT sẽ là nguồn chi trả chính. Liên Bộ Y tế, Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình KT-XH để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ BHYT tại thời điểm phù hợp.

Tuy nhiên, người dân cần tham gia BHYT vì hơn hết đó là quyền lợi của bản thân trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

- Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast