Triển khai hiệu quả công tác khám chữa bệnh ban đầu

Thực hiện thông tư 10 của Bộ Y tế, từ tháng 1/2010, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (ĐD&PHCN) Hà Tĩnh đã triển khai công tác KCB ban đầu cho người dân. Đến nay, bệnh viện đã đăng ký quản lý và phục vụ gần 11.000 đối tượng BHYT. Nhìn chung, các đối tượng được chăm sóc tại bệnh viện đều rất hài lòng.

Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Hà Tĩnh:

Theo tinh thần thông tư 10 của Bộ Y tế cũng như xét thực tế việc triển khai công tác KCB ban đầu tại địa phương và điều kiện phục vụ của bệnh viện, đặc biệt, từ thực trạng người dân một số vùng ven thành phố sống khá xa với các trung tâm huyện nên rất cần một điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu gần hơn, thuận tiện hơn, Bệnh viện ĐD&PHCN tỉnh quyết định triển khai hoạt động KCB ban đầu cho người dân.

Điều dưỡng viên bệnh viện kiểm tra sức khỏe cho đối tượng cận nghèo
Điều dưỡng viên bệnh viện kiểm tra sức khỏe cho đối tượng cận nghèo

Tháng 1/2010, bệnh viện bắt đầu triển khai thực hiện. Ban đầu, đơn vị chỉ đăng ký KCB ban đầu cho người dân 2 xã: Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) và Hộ Độ (Lộc Hà) để làm thí điểm. Sau một thời gian triển khai, hiệu quả hoạt động rất tốt. Đặc biệt, người dân được phục vụ rất phấn khởi và hài lòng. Mặt khác, xét về điều kiện phục vụ, vẫn còn tình trạng lãng phí, chưa khai thác hết nguồn nhân lực và các phương tiện kỹ thuật. Vì vậy, bệnh viện quyết định tiếp tục mở rộng thêm địa bàn phục vụ.

Đầu năm 2011, bệnh viện tiếp tục đảm nhận KCB ban đầu thêm cho các xã: Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Thạch Hội, Thạch Thắng, Tượng Sơn (Thạch Hà) và trường Đại học Hà Tĩnh. Tính đến thời điểm này, số đối tượng đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện đã lên tới gần 11.000 người.

Để đáp ứng điều kiện phục vụ, bệnh viện đã thành lập khoa khám bệnh và cấp cứu với chức năng khám bệnh đa khoa và cấp cứu; bố trí 2 bác sỹ khám bệnh, 1 bác sỹ siêu âm và 18 nhân viên phục vụ khác. Phòng khám được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết và hiện đại như máy chụp X.quang, siêu âm màu, máy đo loãng xương, lưu huyết não, điện tâm đồ, máy huyết học tự động, sinh hóa tự động… Đặc biệt, bệnh viện đã bố trí nhân lực phục vụ theo dây chuyền, bắt đầu từ người hướng dẫn, đến khám, đến làm các kỹ thuật và kê đơn, phát thuốc.

Nhờ bố trí khoa học nên người bệnh không phải chờ lâu. Mỗi người đến khám bệnh chỉ mất từ 1 đến 1 tiếng rưỡi đồng hồ; đảm bảo khám bệnh lần lượt theo thứ tự cho người bệnh.

Để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tháng 7/2011, bệnh viện còn triển khai thêm tủ thuốc bắc để cấp cho người bệnh.

Ông Đào Xuân Sương, 73 tuổi, ở xóm Vĩnh Yên, xã Hộ Độ (Lộc Hà) đang ngồi đợi đến lượt khám bệnh ở hành lang cho biết: “Tôi thuộc chế độ BHYT người có công. Trước đấy, bảo hiểm phân theo tuyến, tôi phải khám ban đầu ở bệnh viện Lộc Hà. Từ khi được chuyển về đây thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là đường đi lại. Ở đây thái độ phục vụ rất tốt; quyền lợi bảo hiểm y tế được đảm bảo. Tuổi già như tôi đây giờ đau ốm suốt. Mỗi lần tới khám, nếu bệnh nặng thì được điều trị nội trú tại bệnh viện. Buồng bệnh cũng rất sạch sẽ, thoáng mát. Mỗi tháng tôi đến kiểm tra sức khỏe một lần. Trước đây, tôi thường dùng thuốc tây, giờ bị đau dạ dày nên các bác sỹ lại chuyển sang cho dùng đông y. Nói chung là chúng tôi thấy yên tâm, chưa có gì phàn nàn”.

Bà Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện ĐD&PHCN Hà Tĩnh cho biết: “Từ khi triển khai hoạt động KCB ban đầu đến nay, chúng tôi đã cố gắng đảm bảo tối đa quyền lợi y tế cho người dân. Điều đáng mừng là chúng tôi chưa nhận một ý kiến phản hồi không tốt nào từ người bệnh, từ người nhà bệnh nhân. Hầu hết họ đều hài lòng. Trong thời gian tới, song song với việc làm tốt công tác chuyên khoa, chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ tốt công tác KCB ban đầu cho các đối tượng; sẽ đào tạo và mở thêm một số chuyên khoa như Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Mắt, để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast