Trong dê có... thuốc

(Baohatinh.vn) - Trong lĩnh vực y học cổ truyền, loài dê được đề cập khá nhiều. Theo các thầy thuốc đông y, cả 2 loại dê rừng và dê nhà đều có thể cho con người những vị thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Từng bộ phận của loài dê đều có ích cho con người...

NHIỀU VỊ THUỐC QUÝ TỪ CON DÊ

Dê núi hay còn gọi là “sơn dương” - một hình tượng khá độc đáo và không kém phần thi vị. Loài dê này chuyên kiếm ăn trên núi cao, nơi có những vách đá cheo leo, dựng đứng. Chúng vui đùa, chạy nhảy bình thường như đi lại trên đất bằng. Sơn dương khá dũng mãnh, vì vậy, có nơi đã sử dụng hình ảnh con dê núi để làm biểu tượng cho sức mạnh của mình...

Đại danh y Tuệ Tĩnh xếp sơn dương vào hàng thuốc bổ quý hiếm với lời ghi chú: “Dê rừng vị ngọt, tính nhiệt, rất bổ dưỡng. Có thể dùng để trị bệnh lao; lam chướng; bệnh kiết lỵ; bạch đới và làm mạnh gân cốt ...”. Còn Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông thì xếp “dương nhục” (thịt dê) vào loại thịt dùng làm thuốc, có tính nhiệt, chữa chứng gầy yếu, đau lưng, dương sự kém (tức là yếu sinh lý).

Trong cuốn “Y học Tùng thư” số 5, trang 392 viết: “Dương nhục vị cam, khí nhiệt, không độc. Chủ trị các chứng ra nhiều mồ hôi; khí huyết hư tổn, làm mạnh dương đạo; làm ấm trung tiêu, làm an tâm thần ...”. Dương huyết (tiết dê) vị hàn, khí bình, trị chứng huyết hư của phụ nữ. “Dương nhũ” (sữa dê) trị các chứng tiêu khát, làm nhuận tràng, mát phế. “Dương thận” (thận dê) trị chứng hư tổn, tai điếc, thường đổ mồ hôi, tiêu chảy... “Ngọc dương” (tinh hoàn dê) trị thận yếu, tinh hoạt. Ngày dùng 30g, nấu lẩu hoặc ngâm rượu uống. “Dạ dày dê” chữa gầy yếu, ăn vào bị nôn mửa, khó tiêu. Mỗi ngày ăn 20-30gr bao tử dê bằng cách hầm nhừ hoặc nấu cháo. “Cao dê toàn tính” chữa bệnh thiếu máu, hay đau bụng, gầy còm, đau lưng, nhức mỏi.

Toàn thân con dê mổ xong bỏ ruột, cạo sạch lông nấu với 10 phần nước, nấu nhiều lần, sau đó, lọc nước trong và cô đặc lại thành cao, mỗi ngày uống 5-10g. Đây là một vị thuốc quý, tiêu biểu cho loại thuốc thức ăn bổ dưỡng, được giới y học cổ truyền phương Đông từ xưa đến nay công nhận.

Thịt dê tính rất nóng, vị ngọt, không độc, có thể chữa được nhiều bệnh vì có công dụng bổ nguyên dương; chữa gầy yếu; bổ thận tráng dương; chữa khỏi ho lao; phụ nữ sau khi đẻ, khí huyết hư tổn; mất sữa; bổ trung ích khí, chống sợ hãi, giảm đau, trẻ con động kinh, co giật, làm cho ăn ngon ngủ tốt, mạnh gân xương.

- Sừng dê vị chua, tính hàn, không độc, có tác dụng hạ nhiệt, trấn kinh (sốt cao co giật). Phân tích sừng dê, người ta thấy có các chất như: canxi, photpho, kêratin và một số chất hữu cơ khác có tác dụng chữa sốt cao, hốt hoảng, nói ngọng, mắt đỏ, sưng đau... Sừng dê có thể dùng dưới dạng bột hoặc mài hòa với nước uống. Liều dùng từ 5g-12g/lần, mỗi ngày có thể uống 2 lần. Trẻ em bị nhiệt độc, sốt cao, lấy chóp sừng dê mài hòa với nước cho uống, có thể phối hợp với các vị thuốc nam như sắn dây, mộc thông, lá tre sắc uống. Phụ nữ sẩy thai, băng huyết có thể tán nhỏ sừng dê một lần 12g hòa với rượu cho uống sẽ khỏi.

Sừng linh dương có thể chữa khỏi căn bệnh lao nhiệt, sốt nóng; đổ mồ hôi trộm dùng sừng dê mài khoảng 8g, hòa với nước ấm, uống lúc đói. Ngoài ra, sừng dê còn có tác dụng chữa các bệnh về thấp nhật, loạn huyết, liệt dương...

Cao dê: Dê nhà hay dê rừng (sơn dương) đều có thể nấu thành cao xương dê hoặc cao dê toàn tính, gồm cả xương lẫn thịt. Do khó bảo quản và không để được lâu nên cao dê toàn tính ít thông dụng. Có nơi, người ta còn nấu lẫn xương dê nhà và xương dê rừng. Cách làm cụ thể như sau:

Cao dê được dùng chữa thiếu máu, gầy còm, nhức mỏi gân xương, đau lưng, đau bụng. Ngày uống 5-10g cao cắt mỏng, uống với nước ấm hoặc ngâm rượu uống.

Tiết dê uống tươi có tác dụng chữa bệnh hậu sản, da xanh xao, người lạnh. Hoặc thai bị chết lưu bọc nhau không xuống cũng có thể dùng tiết dê để uống.

Xương dê đem đốt, tán thành bột cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ, phiền muộn, đổ mồ hôi trộm. Ngày uống 4-8g sẽ chóng khỏi. Ngoài ra, bột xương dê còn có tác dụng chữa đái khó, đái buốt, bí tiểu tiện, ngày uống 4-8g hòa với rượu uống lúc đói. Xương dê tán bột còn tác dụng chữa ghẻ lở lâu ngày, chỗ lở không liền miệng, không lên da non... Phụ nữ đang mang thai không được ăn gan dê, thịt dê rừng vì sinh con dễ bị bệnh cam sài.

Thịt dê phối hợp với một số vị thuốc bắc, có tác dụng chữa bệnh. Dùng 1 kg thịt dê cho vào nồi đổ ngập nước đun sôi 2h, sau đó, cho đương qui 500g; hoàng kỳ 800g; củ gừng 600g. Tiếp tục đun cạn còn 1/2 nước chia làm nhiều lần để dùng, có thể chữa trị: phụ nữ suy nhược cơ thể, đau dạ con, chân tay lạnh sau khi sinh đẻ.

Bài thuốc “Hồ hiệp đại dương nhục thang” cũng dùng cho phụ nữ sinh đẻ bị suy nhược cơ thể như sau: thịt dê 1 kg, đổ ngập nước, đun cạn còn 1/3 nồi. Cho thêm đương qui; bạch thược, cam thảo, mỗi loại 30g; tiếp tục đun cạn còn một nửa nước trong nồi, chia làm nhiều lần để dùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast