Y tế cơ sở: Nơi chen chúc, chỗ ”đìu hiu”

(Baohatinh.vn) - Y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, giúp nhân dân chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, hoạt động tại các trạm y tế xã hiện nay vẫn chưa đồng đều, còn nhiều bất cập...

Nơi chen chúc, nơi vắng tanh

Thực tế cho thấy, các trạm y tế trong toàn tỉnh hiện nay hoạt động không đồng đều giữa các vùng, miền. Có nơi bệnh nhân đến nườm nượp nhưng cũng không ít trạm vắng như… chùa bà Đanh.

y te co so noi chen chuc cho diu hiu

Trước cửa phòng khám Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 luôn có đông bệnh nhân ngồi chờ.

Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) là một trong những địa chỉ “hút” bệnh nhân. Thời điểm chúng tôi có mặt, mặc dù là đầu buổi chiều nắng nóng nhưng bệnh nhân đã ngồi đợi kín cửa phòng khám. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 Hoàng Ái Quốc cho biết: “Từ tháng 11/2014, trạm được tăng cường bác sỹ. Bác sỹ trẻ, say mê nghề nghiệp, ân cần, chu đáo nên rất được nhân dân tin yêu. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, trạm đã khám chữa bệnh (KCB) cho 1.600 bệnh nhân. Trạm thường xuyên trong tình trạng “hết giờ, không hết việc”. Bệnh nhân không chỉ trong xã mà còn ở các vùng lân cận”.

Cùng với Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 còn có nhiều điển hình khác như các trạm y tế: Xuân Hải (Nghi Xuân), Trung Lễ (Đức Thọ), Thạch Tân (Thạch Hà), Hộ Độ (Lộc Hà); trạm y tế ở các vùng tái định cư, khu công nghiệp ở Kỳ Anh…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn không ít trạm y tế luôn trong tình trạng vắng bóng bệnh nhân, nhất là các trạm y tế ở thành phố.

Có mặt tại Trạm Y tế phường Nguyễn Du và phường Hà Huy Tập vào một buổi sáng, chúng tôi nhận thấy một điểm chung: Không một bóng bệnh nhân và cả 2 trạm trưởng đều đi vắng. Trạm chỉ còn một vài nhân viên y tế ngồi đánh máy. Một nhân viên y tế phường Nguyễn Du cho biết, trạm có bác sỹ, là Trạm trưởng. Tuy nhiên, người dân ở đây đến KCB ban đầu rất ít. Mỗi tháng có khoảng vài chục bệnh nhân. Trạm có 5 cán bộ, nhân viên, chủ yếu làm các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế Trần Đại Chiến cho biết: “Thực tế cho thấy, các trạm thu hút được nhiều bệnh nhân thường có bác sỹ, nhân viên y tế tận tâm, tận tụy. Sau khi thông tuyến, các trạm y tế này lại càng đông bệnh nhân hơn (vì các vùng lân cận cũng tìm tới), nhất là ở những vùng xa trung tâm. Riêng đối với các vùng thành phố và thị trấn, mặc dù được đầu tư tốt (cơ sở vật chất khang trang, có bác sỹ...) nhưng lại ít bệnh nhân do gần các cơ sở KCB tuyến trên. Đây cũng là bất cập về khoảng cách giữa các vùng, miền”.

Chưa đến ngày thứ 15 đã hết thuốc BHYT!

Một thực tế khác, đó là tất cả những trạm y tế thu hút được bệnh nhân đến KCB ban đầu lại không đủ thuốc để cấp phát cho bệnh nhân BHYT.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Tân Lê Quang Huy chia sẻ: “Từ khi khống chế thuốc BHYT theo đầu thẻ đến nay đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Trạm Y tế Thạch Tân có 1.300 đầu thẻ, theo đó, mỗi tháng được nhận 3 triệu tiền thuốc. Do vậy, trạm chỉ lấy được các loại thuốc thiết yếu như kháng sinh, cảm, tăng huyết áp.

y te co so noi chen chuc cho diu hiu

Trạm Y tế phường Nguyễn Du vắng như "chùa Bà Đanh"

Các loại thuốc dạ dày, táo bón... không dám lấy! Hầu hết trạm đều rơi vào tình trạng mới đến ngày thứ 15 hàng tháng đã hết thuốc BHYT, mặc dù đã cấp phát rất dè xẻn. Mặt khác, từ 26/2/2017, bệnh nhân đến KCB đông y tại trạm y tế không còn được thanh toán BHYT. Những điều này đã tác động trực tiếp đến quyền lợi bệnh nhân nên số lượng bệnh nhân đến trạm giảm đáng kể. Trước đây, mỗi tháng trạm KCB cho 200-300 lượt bệnh nhân nhưng nay chỉ còn trên 100 người”.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Bình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Lễ (Hương Sơn) cho biết: “Xã cách trung tâm 10 km, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống khó khăn. Do vậy, chăm sóc tốt các bệnh thông thường tại trạm là rất cần thiết. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách. Thứ nhất, về cung ứng thuốc theo quỹ BHYT không đủ phục vụ. Thứ hai, phân quỹ của quý này theo số liệu của quý trước không phù hợp. Như xã Sơn Lễ, đầu năm, tỷ lệ BHYT đạt thấp, chỉ 62%. Địa phương nỗ lực vận động nên đã tăng lên được 87%. Vậy nhưng, phân chia quỹ theo đầu thẻ hiện nay vẫn tính theo con số cũ, rất thiệt thòi cho người dân.

Hơn nữa, có một số dịch vụ kỹ thuật trạm đã có chứng chỉ hành nghề như khâu rửa vết thương, chích mụt nhọt, áp xe, nhổ răng… nhưng vẫn không được thanh toán BHYT. Ngoài tháo gỡ những bất cập trên, chúng tôi cũng muốn đề nghị thêm, đối với những trạm vùng sâu, vùng xa nên cho điều trị BHYT trong vòng 3 ngày, cho tiêm kháng sinh và dịch truyền… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được chăm sóc sức khỏe gần nhà, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho tuyến trên”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast