"Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người". |
“Tiên trách kỷ”...
Là sản phẩm truyền thống, mang đậm dấu ấn địa phương nên cu đơ được nhiều người dân Hà Tĩnh sản xuất. Khó có thể thống kê trên địa bàn hiện có bao nhiêu lò sản xuất cu đơ vì hầu như huyện, thành phố, thị xã nào cũng có người sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh, toàn thành phố có khoảng 40 hộ làm nghề có quy mô, tập trung ở các địa phương: Đại Nài, Thạch Bình, Tân Giang, Thạch Hưng, Bắc Hà..., trong đó, có nhiều hộ truyền từ đời này sang đời khác.
Cùng với đó, dọc QL 1A, cu đơ được bày bán ở nhiều địa điểm, đa phần do người dân sở tại sản xuất như tại ngã ba giao QL 1A và đường tránh TP Hà Tĩnh thuộc địa phận xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên).
Mặc dù cu đơ được nhiều hộ dân sản xuất nhưng đến nay, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chưa được người dân chú trọng. Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho hay: Trong hàng chục hộ sản xuất cu đơ trên địa bàn mới chỉ có 3 hộ đăng ký nhãn hiệu là Thư Viện (phường Đại Nài), Thanh Hạnh (Tân Giang), Lâm Phê (Nam Hà); hiện tại, có ông Lung (phường Bắc Hà) đang trong quy trình làm nhãn hiệu; số còn lại mặc dù đã được vận động nhưng vì nhiều lý do, nhiều chủ lò sản xuất vẫn không để ý.
Cần giải pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu cu đơ Hà Tĩnh |
Chủ một lò sản xuất cu đơ đóng tại cầu Phủ cho hay: “Chúng tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ, bán lẻ cho khách qua đường nên không cần thiết đăng ký nhãn hiệu”. Thực tế này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hộ thường tự ý đặt tên sản phẩm mà không qua chứng nhận của các cấp có thẩm quyền.
Khác với tình trạng thiếu ổn định về đầu ra của đa số, nhiều năm nay, số ít các cơ sở đăng ký nhãn hiệu đã lập tức chiếm lĩnh thị trường. Thanh Hạnh, Thư viện (TP Hà Tĩnh), Phong Nga (Thạch Hà)… là các cơ sở bán ra thị trường với số lượng vượt trội, từ đó, mở rộng quy mô sản xuất cùng số lượng nhân công. Sản phẩm của các cơ sở này không chỉ bán trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành khác, trở thành món quà mang đặc trưng vùng quê Hà Tĩnh.
Con đường bảo vệ thương hiệu
Trước đây, muốn đăng ký nhãn hiệu, chủ các cơ sở sản xuất phải trực tiếp đến Sở KH&CN để làm thủ tục. Hiện nay, công việc giao dịch này được chuyển về UBND huyện, thành phố, thị xã. Việc đăng ký nhãn hiệu thuận lợi hơn.
Quy trình đăng ký thường mất 6 tháng đến 1 năm, trong đó, có 2 phần việc chính là làm đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế logo sản phẩm. Sau khi người dân làm thủ tục tại phòng kinh tế các huyện, thành phố, các đơn vị sẽ có trách nhiệm giao dịch với Sở KH&CN để làm quy trình gửi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Sản phẩm "nhái" này được bày bán công khai tại thị trấn Tĩnh Gia (Thanh Hóa) mà không có sự lên tiếng từ các phía. |
Mặc dù đăng ký nhãn hiệu của từng cơ sở là cần thiết, nhưng để sản phẩm này xứng tầm với quy mô, bề dày truyền thống thì cần có con đường chuyên nghiệp hơn. Cầu Phủ lâu nay được dân gian gọi là “thủ phủ” cu đơ nhưng đến nay vẫn chưa có đăng ký nhãn hiệu cu đơ Cầu Phủ. Có chăng, đó chỉ là do người dân tự ghi trên sản phẩm. Thành thử, thương hiệu này bị giả danh ở nhiều nơi.
Để sản phẩm kết nối với du lịch làng nghề này vươn tới các vùng đất khác trong nước cũng như xuất khẩu, thiết nghĩ, cần phải có hình thức liên kết các hộ, không nên để tình trạng “mạnh ai nấy thắng”. Việc hình thành công ty hoặc cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, chú trọng ứng dụng máy móc thiết bị mới, quan tâm tới định hướng thị trường sẽ là hướng đi cần thiết. Đây là cách bảo vệ thương hiệu bền vững, tạo cơ sở để loại bỏ tình trạng “cu đơ Hà Tĩnh”, “cu đơ Cầu Phủ” (không được sản xuất ở Hà Tĩnh) xuất hiện ở các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa…