Ai gọi cứu hỏa, có ngay, có ngay!

(Baohatinh.vn) - Sự phát triển KT-XH những năm gần đây trên địa bàn kéo theo nhiều nguy cơ về cháy nổ, nhất là ở những nơi tập trung đông người, khu kinh tế, làng nghề... Vì thế, trận tuyến đấu tranh với giặc lửa vẫn luôn vô cùng gian nan và nguy hiểm.

Nhưng với những người lính cứu hỏa trên đất Hồng - La, họ không quản ngại khó khăn, xông mình trong hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân...

Kịp thời dập lửa

Sáng mùng 1 Tết Bính Thân (2016), 114 Hà Tĩnh (số điện thoại thường trực của cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Hà Tĩnh) đã nhận được cuộc gọi “mở hàng” đầu năm: cháy tại nhà số 6, ngõ 336, tổ dân phố 3, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh. Chưa kịp bắt tay nhau chúc mừng năm mới, ngay lập tức, CBCS hỏa tốc lên đường. “Khi cảnh sát PCCC đến thì ngôi nhà đang bốc khói lửa nghi ngút. Hàng chục CBCS đã tiếp cận đám cháy và tìm cách dập lửa, tạo “bức tường” bảo vệ để mọi người vào cứu anh Ánh - chủ nhà đang bị ốm nằm ở phía trong. Giây phút gia chủ được đưa ra ngoài an toàn đã khiến nhiều người vỡ òa sung sướng…” - Thượng tá Hoàng Văn Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC 66) nhớ lại.

Theo Thượng tá Long, đặc thù của lính phòng cháy là luôn bị động, bởi không ai có thể biết trước ngày nào, giờ nào, địa điểm nào sẽ xảy ra cháy. Vì thế, có mặt sớm từng nào, thì sẽ càng hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Do đó, lính cứu hỏa phải luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24h, có lệnh là lên đường ngay, bất kể ngày đêm hay nghỉ tết, lễ.

ai goi cuu hoa co ngay co ngay

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Tổng kho Khí hóa lỏng Bắc Trung bộ.

Ngay như mới đây, vào lúc 20h10’, ngày 17/9/2016, 114 Hà Tĩnh nhận được tin báo của một người dân tên Hà về cháy đình chính ở chợ Sơn (thị trấn Hương Khê), ngay lập tức, 60 CBCS, 5 xe chữa cháy, 1 xe tiếp nước, 1 xe chở phương tiện, 3 máy bơm chữa cháy lên đường. 40 phút sau, lực lượng cứu hỏa có mặt tại hiện trường, phối hợp với Công an Hương Khê, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng tổ chức chữa cháy. 22h cùng ngày, đám cháy được khống chế và hơn 1h ngày 18/9 cơ bản đã dập tắt được lửa.

“Vụ cháy đã thiêu hủy hàng hóa, tài sản của cả trăm hộ kinh doanh trong đình chính, nhưng rất may không gây thiệt hại về người. Sự dũng cảm, khẩn trương của lực lượng PCCC đã bảo vệ được 2 đình còn lại và các dãy ki-ốt liền kề đình bị cháy của 423 hộ kinh doanh; bảo vệ 65 nhà dân ở giáp chợ” - Đại tá Lương Hữu Phùng - Trưởng phòng PC 66 (Công an tỉnh) chia sẻ.

Tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp, chỉ tính từ tháng 9/2010 đến nay, toàn tỉnh đã xẩy ra trên 200 vụ cháy nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp; làm chết 4 người, trên 12 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 43 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2016 lại nay, đơn vị đã xuất trên 46 lượt xe, hơn 361 lượt CBCS, tham gia chữa cháy 23 vụ, CNCH 3 vụ đạt hiệu quả; 2 lần được quần chúng nhân dân gửi thư động viên, khen ngợi về thành tích trong công tác chữa cháy.

Với tinh thần “nhanh gọn, khẩn trương, hiệu quả”, những người lính cứu hỏa luôn kịp thời xuất hiện mỗi khi hỏa hoạn xẩy ra; dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, chạy đua với thời gian để cứu người, cứu tài sản. Những việc làm của họ luôn được người dân ghi nhận, mến mộ bằng những lá thư cảm ơn đầy xúc động sau cơn hoạn nạn.

Hướng tới chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 2.469 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó: 4 trung tâm thương mại; 13 chợ hạng 2; 15 nhà cao trên 10 tầng; 1 tổng kho xăng dầu; 1 tổng kho khí hóa lỏng; 4 trạm sang chiết, nạp gas… 111 xe vận chuyển xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp và 3 tàu chở dầu; ngoài ra, còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh có điều kiện nằm rải rác trên địa bàn. Thực trạng đó, cộng với tình hình cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp, buộc lực lượng cảnh sát PCCC phải ngày càng hoàn thiện, đổi mới, hướng tới chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

ai goi cuu hoa co ngay co ngay

Cảnh sát PCCC và lực lượng chữa cháy địa phương nỗ lực cứu chữa chợ Sơn (Hương Khê)

“Trong bất cứ tình huống nào, từ khi phát lệnh báo động cho tới khi xe lên đường chữa cháy bảo đảm thời gian không quá 1 phút. Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi mỗi CBCS phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu. Công tác chữa cháy đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết; mỗi người lính cứu hỏa là một mắt xích để “cỗ máy” chữa cháy vận hành kịp thời, có hiệu quả khi đối đầu với “giặc lửa” - Đại úy Lê Đình Lộc - Đội trưởng Đội PCCC&CNCH Trung tâm, chia sẻ.

Theo thời gian, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH của Công an Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh; năm 2010, có 73 CBCS, đến nay đã là trên 160 người. Cùng với việc tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ PCCC có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, chiến đấu, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, thì các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác hậu cần phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng chuyên nghiệp ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Hiện tại, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có 13 xe chữa cháy các loại và 1 xe CNCH; 3 đệm hơi, 3 bộ banh cắt bằng thủy lực, 6 bộ đồ lặn, 2 hệ thống đèn chiếu sáng di động, 3 xuồng cứu hộ loại 6 người, 12 bình khí thở…

Tuy nhiên, mặc dù đã được quan tâm đầu tư về nhân lực, vật lực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay, nhất là thiết bị chuyên dụng còn thiếu. Đi cùng với đó, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCCC. Nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này. PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi một người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp sức mình để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.

(Còn nữa)

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast