ATGT - Từ ý thức mỗi người đến ý thức cộng đồng!

Tai nạn giao thông hàng năm khiến bao nhiêu gia đình đang đầm ấm yên vui, bỗng chốc mất người thân hay chuốc lấy thương tật; của cải bị tiêu vong, cuộc sống gia đình bị đảo lộn.. Đây là một sự thật, một sự thật đau lòng “do người ta làm hại dân ta”.

Tai nạn giao thông trở thành thảm họa của đất nước, khi mỗi ngày có biết bao nhiêu sinh mạng bẹp dúm trên mặt đường, chìm nghỉm giữa dòng sông, tan xác giữa đường ray.. mới hiểu và thấm thía rằng: kẻ gieo rắc tai nạn giao thông, dù vô tình hay cố ý thì cũng bị nhân dân nguyền rủa và dư luận lên án với hành vi vô cùng nguy hiểm này.

Cùng hành động để giảm thiểu TNGT
Cùng hành động để giảm thiểu TNGT

Nguy hiểm vì không nắm được luật, nguy hiểm vì chưa sử dụng thành thạo các phương tiện giao thông cũng “dũng cảm nhập vào dòng chảy”. Nguy hiểm vì sự ngang ngược của kẻ hiếu kỳ, “coi trời bằng vung "lấy mặt đường làm trò “diễn xiếc” và “anh hùng hảo hớn” hơn bằng những cuộc đua xe trái phép.. Nguy hiểm vì những nhà thầu thi công các đoạn đường ngổn ngang vật liệu, đào khoan nhiều hố sâu lại không có rào che chắn, không một lời cảnh báo cho khách qua đường… Tai nạn giao thông còn thêm những tiềm ẩn khác từ xử lý chưa kiên quyết của lực lượng cảnh sát giao thông, từ sự làm việc cẩu thả thiếu nghiêm túc của cán bộ đăng kiểm với các phương tiện vận tải đã xuống cấp vẫn được tiếp tục tham gia hoạt động.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước đã xẩy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông, làm 6.908 người chết hơn 25000 người bị thương.. Chắc chắn rằng kết thúc năm 2012 con số về thảm hoạ tai nạn giao thông sẽ còn “luỹ tiến”.

Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ nhưng suốt mấy thập kỷ qua, không năm nào không xẩy ra những vụ giao thông từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng ven biển đến miền núi.. Một thực tế khi ô tô, xe máy càng nhiều mật độ dân cư càng đông thì tai nạn giao thông càng lớn.. Năm 2012, tình hình tai nạn giao thông có phần lắng dịu nỗi đau hơn nhiều năm trước, nhưng 9 tháng cả tỉnh vẫn xẩy ra 89 vụ làm 87 người chết 43 người bị thương. Dù đã cố gắng lập lại thiết chế kỷ cương, tích cực kiềm chế để giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng trong cuộc hội nghị bàn về trật tự an toàn giao thông vừa qua, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh vẫn thẳng thắn chỉ rõ: “Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa bền vững và còn nguy cơ tiềm ẩn gia tăng, các vụ giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xẩy ra. Số vụ tai nạn ở trên các tuyến đường xã, liên xã và đường huyện có chiều hướng gia tăng, đó thực sự là những thách thức, nguy cơ hiểm hoạ tiềm ẩn đối với trật tự an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi các cấp các ngành, các địa phương cùng toàn thể nhân dân phải có những hành động quyết liệt cụ thể đồng bộ thiết thực để ngăn chặn”.

Không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường quốc lộ 1A, tuyến đường quốc lộ 8A đã có những điểm thường hay xẩy ra tai nạn, gây nên bao nỗi kinh hoàng mà người ta đặt tên “dốc tử thần”, “cua tử thần”, “ngã ba tử thần”. Giải trình những nguyên nhân xẩy ra tại các “điểm chết” này, hầu hết đều do lái xe không làm chủ tốc độ. Không làm chủ vì xe hỏng phanh, không làm chủ vì men rượu, không làm chủ vì lái xe mất ngủ... Những nguyên nhân của sự vô thức ấy để hàng năm lại xuất hiện thêm nhiều miếu thờ với nhạt nhoà hương khói giải oan linh hồn, với tiếng kêu khóc xé ruột xé lòng.

Chúng ta thường nhắc mãi câu nói cửa miệng “An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người”. Cũng vì thế, nhà nước hàng năm đã tốn hàng tỷ đồng để in cắt dán băng gôn, khẩu hiệu, pa nô áp phích, tài liệu sử dụng đa phương tiện nhằm tất cả mọi người cùng đọc, mọi người cùng nghe, với mục đích: Nâng cao ý thức từ mỗi cá nhân để tạo nên một ý thức lớn cho cả cộng đồng... Nói thì dễ nhưng làm được cả một quá trình kiên trì và gian khổ. Tai nạn giao thông sẽ còn tái diễn lớn nếu con người không có văn hoá giao thông.

Phải có Văn hoá giao thông con người mới biết bảo vệ cho mình, cho bạn mình, cho cả cộng đồng. Người có văn hoá giao thông trước hết là người chịu khó đọc, chịu khó học về luật lệ giao thông. Người có văn hoá giao thông phải tự kiểm tra mình và kiểm tra phương tiện mình liệu đi trên đường đã an toàn chưa?. Người có văn hoá giao thông chính là những người biết tỉnh táo lúc đi đường. Không say mèm bia rượu, không bức xúc mâu thuẩn và không buồn chán trong cuộc sống thường ngày. Người có văn hoá giao thông phải biết chăm sóc phương tiện mình như kỵ sĩ ngày xưa chăm sóc con ngựa chiến.

Hàng năm, không chỉ có tuần lễ “An toàn giao thông” hàng ngàn học sinh, sinh viên rầm rập diễu hành để mong muốn một điều bình yên nhất. Ban An toàn giao thông tỉnh đã gửi tới lời thông điệp với tất cả mọi người: Muốn phát triển kinh tế và an ninh xã hội bền vững phải có một nhận thức căn bản của lãnh đạo mọi ngành mọi cấp. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội. Mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí trong năm 2012, phấn đấu giảm từ 5%- 10% số vụ tai nạn, số người bị thương.

Từ trách nhiệm của mỗi người đến trách nhiệm của cả cộng đồng, đòi hỏi phải loại bỏ những trái tim vô cảm, những thói xấu, hành vi xấu đang tồn tại để cho cuộc sống của chúng ta ngày đẹp hơn lên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast