Bến xe tạm - đừng để “cái sảy nảy cái ung”!

Mặc dù đã được cấp phép và đi vào hoạt động khá lâu, tuy nhiên, do không xây dựng được bến đỗ nên hàng chục phương tiện vận tải hành khách tuyến Vinh – Hà Tĩnh đành “tá túc” ở cửa hàng xăng dầu và khu vực hành lang ATGT Nam cầu Phủ.

Năm 2011, tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Vinh được khai trương, Công ty CP Thương mại và Vận tải Đông Bắc và Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh là 2 đơn vị được cấp phép hoạt động vận tải khách bằng xe buýt theo lộ trình.

Sự ra đời của loại hình vận tải mới đã đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, đồng thời góp phần giảm đáng kể lưu lượng phương tiện mô tô đi lại trên QL 1A, đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, từ khi được cấp phép hoạt động đến nay, do chưa xây dựng được bến đỗ (điểm đầu và điểm cuối) nên các phương tiện tham gia vận tải đành phải đỗ nhờ ở Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

“Bến đỗ” xe buýt tại Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình.
“Bến đỗ” xe buýt tại Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu tiên là phương tiện của Công ty CP Thương mại và Vận tải Đông Bắc và Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh dùng Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình làm điểm dừng xe, điểm xuất phát trong lộ trình. Nhưng để cạnh tranh, giành khách, dần dần, tất cả xe buýt của tư nhân chạy tuyến bến xe Hà Tĩnh - bến xe chợ Vinh “lấn” sang tuyến Vinh – cầu Phủ. Vô hình trung, Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình trở thành điểm dừng, đón, trả khách của toàn bộ phương tiện vận tải khách tuyến Vinh – Hà Tĩnh.

Việc các phương tiện vận tải buýt thay đổi lịch trình tuyến và đón, trả khách ngay tại Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình không những gây ra tình trạng lộn xộn trong việc tranh giành khách mà còn tiềm ẩn các nguy cơ an toàn cháy nổ. Chỉ một hành động vô ý của bất cứ khách hàng nào cũng có thể gây ra hỏa hoạn bởi khoảng cách từ vị trí đặt cột bơm và cụm bể chứa tới điểm dừng đỗ xe chưa đến 10m (trong khi khoảng cách an toàn được quy định tối thiểu 50m).

Trong khi tình trạng dừng, đón trả khách trái phép tại Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình chưa được giải quyết thì cách đó khoảng 100m về phía Bắc, 1 bến xe tạm được mọc lên ngay sát phía Nam cầu Phủ. Bến xe tạm vừa mới được mọc lên được Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh dùng làm điểm đầu và điểm cuối trong lộ trình vận tải khách Vinh – Hà Tĩnh sau khi Cửa hàng Xăng dầu Thạch Bình không cho xe của Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh dừng, đón trả khách trong phạm vi cửa hàng.

Bến xe tạm tọa lạc sát phía Nam cầu Phủ, ngay trong phạm vi an toàn đê Hữu Phủ. Vì được xây dựng tạm bợ nên các điều kiện đảm bảo hầu như chưa có. Đặc biệt, đoạn đường phía Nam cầu Phủ vốn là điểm đen về mất TTATGT của thành phố, phải mất rất nhiều thời gian, các lực lượng chức năng ở đây mới thiết lập được kỷ cương ATGT trong khu vực. Với việc hình thành thêm 1 bến xe tạm bợ ngay sát chân cầu, liệu những cố gắng của các lực lượng chức năng thành phố có được duy trì?

Chánh Thanh tra Sở GTVT Phạm Ngọc Quyết cho biết: dù bến xe tạm ở khu vực phía Nam cầu Phủ không đảm bảo các điều kiện an toàn theo Nghị định 11 và 91 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng vì cơ quan quản lý nhà nước đã cho phép doanh nghiệp đưa bến xe tạm vào hoạt động nên việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm rất khó khăn. Sự xuất hiện của bến xe tạm ở khu vực phía Nam cầu Phủ rõ ràng đi ngược lại với các điều kiện đảm bảo an toàn. Chỉ vì chưa tìm ra được phương án tốt hơn nên cơ quan quản lý nhà nước đã mạo hiểm đồng ý đưa bến xe không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vào hoạt động.

Đành rằng, trong điều kiện như hiện nay, chúng ta phải chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và tài sản nhà nước phải được đặt lên hàng đầu. Cần tìm ra giải pháp phù hợp chấm dứt tình trạng trên, đừng tự tin cho rằng, “từ trước đến nay, tại các bến đỗ tạm thời chưa xẩy ra chuyện gì” như lời của Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh, bởi khi việc đã xẩy ra rồi thì hậu quả không chỉ một mình các đơn vị vận tải gánh chịu, mà người tham gia giao thông sẽ thiệt thòi hơn cả. Xin đừng để “cái sảy nảy cái ung”!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast