Chú trọng nâng tầm văn hóa ứng xử cho CSGT

Điều hành và xử lý vi phạm giao thông là việc làm khá vất vả và phải xử lý nhiều tình huống của lực lượng CSGT. Và trong nhiều trường hợp, do thái độ ứng xử của một số CSGT chưa thỏa đáng đã dẫn đến những vụ việc người dân chống đối, thóa mạ chiến sỹ CSGT. Để hạn chế vấn đề này, lãnh đạo phòng CSGT Hà Tĩnh đã chú trọng thực hiện điều chỉnh tác phong, nâng tầm văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT.

Cán bộ phòng CSGT Hà Tĩnh xử lý vi phạm trên Quốc lộ 1A

Cán bộ phòng CSGT Hà Tĩnh xử lý vi phạm trên Quốc lộ 1A

Thực tế, đã có không ít người dân ca thán về thái độ hành xử của một vài CSGT với những từ ngữ như: láo, hách dịch, lộng quyền. S – lái xe của một công ty cho biết: “Có lần tôi đang lái xe trên đường tránh Hà Tĩnh thì bị lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ. Khi tôi xuống xe thì không những chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ (còn rất trẻ tuổi) không chào theo điều lệnh mà còn nói năng rất xấc xược. Điều này khiến tôi cảm thấy rất ức chế. Nếu tôi sai thì cứ xử phạt nhưng hãy xử sự một cách văn minh hơn”.

Nhiều người dân cảm thấy bực bội vì bất kỳ khi nào đi qua thị trấn Thạch Hà cũng đều bị lực lượng CSGT gọi lại kiểm tra giấy tờ, việc thực hiện nhiệm vụ thì không thể trách cứ mà điều đáng trách là sau khi kiểm tra xong, mặc dù người dân không vi phạm nhưng CSGT không hề nói lời cám ơn người dân đã hợp tác để mình hoàn thành nhiệm vụ.

Vẫn biết, CSGT làm nhiệm vụ phải tiếp xúc với nhiều người với những phông nền văn hóa khác nhau và trong những tình huống bất ngờ cũng dẫn đến những bức xúc. Và đó chính là những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc chống người thi hành công vụ không đáng có. Vì thế, đòi hỏi người chiến sỹ CSGT phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh, kiến thức, tránh sơ suất khi xử lý các vụ việc, nhất là đối với những đối tượng có thái độ xem thường luật pháp.

Thượng tá Lưu Công Tiến – Phó Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những vụ việc không đáng có, thời gian qua phòng CSGT đã chú trọng nâng tầm văn hóa ứng xử cho lực lượng cán bộ, chiến sỹ CSGT. Trong mỗi buổi giao ban, sinh hoạt đọc báo, nội dung này cũng được triển khai thường xuyên. Thông qua đó, CSGT thấm nhuần hơn những quy định khi làm nhiệm vụ, không chỉ trong điều lệnh mà còn là những quy định về cách chào hỏi, ứng xử với người dân. Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm việc mỗi cán bộ khi làm nhiệm vụ đều có cuốn sổ ghi chép hành trình, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là sự thấm nhuần trong nhận thức, hành động”.

Từ việc thường xuyên trau dồi kiến thức, bản lĩnh, nhiều cán bộ, chiến sỹ CSGT đã tìm ra được phương pháp xử lý thấu tình đạt lý khiến người dân đồng tình như: Giải thích rõ ràng cặn kẽ lỗi và tác hại của lỗi mà người dân vi phạm, thậm chí đối với nhiều lỗi chỉ dùng biện pháp nhắc nhở, khi kiểm tra xong giấy tờ người tham gia giao thông nếu họ không vi phạm thì cám ơn chân thành… Chính vì vậy, qua một thời gian thực hiện điều chỉnh tác phong, nâng tầm văn hóa ứng xử, việc chống đối người thi hành công vụ đã được hạn chế, thậm chí có nhiều trường hợp có ý định chống đối nhưng gặp thái độ nghiêm túc, lịch sự, cứng rắn của chiến sỹ CSGT thì từ bỏ mà nghiêm chỉnh chấp hành. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, chưa hề xẩy ra vụ việc chống đối nào đáng tiếc.

Thực hiện đúng điều lệ giúp CSGT thi hành nhiệm vụ dễ dàng hơn

Thực hiện đúng điều lệ giúp CSGT thi hành nhiệm vụ dễ dàng hơn

Ngoài ra, trong khi làm nhiệm vụ, nhiều chiến sỹ CSGT còn chứng minh bản chất người công an nhân dân. Đã có rất nhiều câu chuyện chiến sỹ quên mình vì nhân dân, nhặt được của rơi tìm người trả lại. Trong đó câu chuyện của đại úy Trần An Ninh – Đội phó đội tuần tra kiểm soát số 61 khiến nhiều người ngưỡng mộ. Trong đợt lũ năm ngoái, không chỉ thực hiện nhiệm vụ điều hành giao thông tại những tuyến đường ngập lũ, anh còn là người tiên phong, cùng đồng đội dầm mưa trong 3, 4 ngày liền để đưa những chuyến xe vượt lũ an toàn. Và mới đây, trong khi thi hành nhiệm vụ, nhặt được ví tiền với hơn 14 triệu đồng, anh cùng đồng đội đã liên lạc với đồng đội trên tuyến suốt mấy tiếng đồng hồ để tìm người trả lại. Hành động của Đại úy Trần An Ninh là tấm gương sáng để những ai còn có những hành vi chưa tốt học tập.

Văn hóa ứng xử là điều vốn dĩ rất cần đối với tất cả mọi người nhưng với riêng lực lượng CSGT thường xuyên phải tiếp xúc với đủ loại nhân cách trong xã hội thì điều đó càng cần thiết hơn. Và khi người CSGT thi hành nhiệm vụ đúng điều lệnh, đúng tác phong lại ứng xử khéo léo, hòa nhã thì chẳng người dân nào lại ca thán họ!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast