“Cò” vé tàu lộng hành sau Tết

(Baohatinh.vn) - Mỗi khi nhắc đến “cò" vé tàu thì người ta thường liên tưởng tới những ông xe ôm, những bà bán nước tại các nhà ga lớn ở Sài Gòn, Hà Nội. Thế nhưng, gần đây, loại “cò" này bắt đầu "nở" rộ tại Ga Yên Trung (Đức Thọ) và ít nhiều gây khó khăn cho những người có nhu cầu đi lại thật sự.

Mua được vé tàu tại Ga Yên Trung không hề đơn giản
Mua được vé tàu tại Ga Yên Trung không hề đơn giản

Trong vai một sinh viên ra Hà Nội đi học, tôi được một bà bán nước mời chào đon đả, nói chuyện khéo léo như nói với người nhà. Bà ấy tận tình chỉ bảo tôi cách mua vé tàu ngày tết, cách đi tàu chui và đặc biệt là “đừng vào nhà ga mua vé làm gì cho mất công, vì cho tới mồng 10 Tết đã không còn một vé nào ra Hà Nội”.

Rồi bà ấy khoe với tôi là may mắn có được 3 vé đi Hà Nội vào ngày mồng 8 Tết mà chưa bán cho ai. Số vé trên là do khách hàng đổi ngày đi nên bán lại cho bà để khỏi mất phí trả vé. Tôi ngỡ mình may mắn gặp được “quý nhân” vì mình đang rất cần vé cho em gái đi Hà Nội, thế nhưng thật “sốc” khi nghe người này hét giá 400 ngàn cho ghế cứng đi trong quãng đường hơn 300km.

Ga Yên Trung tuy nhỏ nhưng lại tập trung khá đông hành khách. Dù là đông người cũng không khó để nhận ra được những “cò” vé tàu bởi mỗi bạn trẻ nào vác ba lô trên vai đi thẳng vào nhà ga cũng đều may mắn gặp được “quý nhân”.

Lần này là một anh thanh niên lái xe ôm, mặc áo màu xanh gần giống như màu áo của nhân viên ga tàu. Anh ta hỏi một tràng dài như trong một phiên họp chợ nhộn nhịp: “Đi tàu không em, khi nào đi? Có vé ngay đấy". Khi vị khách hàng hỏi vé đâu, thì anh áo xanh bảo vé không có nhưng anh ta lo được. Hóa ra, anh ta có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều nên không có vé cũng lo được chỗ ngồi.

Vé ít người nhiều là cơ hội để "cò" kiếm chác
Vé ít người nhiều là cơ hội để "cò" kiếm chác

Khi tiếng còi tàu vang lên để chuẩn bị tiến vào nhà ga, anh ta thu của vị khách 50 nghìn tiền công rồi đẩy vị khách lên tàu và “gửi" cho một “nhân viên” của ngành đường sắt. Vị khách ổn định chỗ “đứng” rồi nhắn tin lại cho tôi đã mất 50 nghìn để được đi tàu chui.

Mang những câu chuyện về “cò” vé tàu và những khó khăn của người dân đi tàu ngày tết đến ông Võ Trọng Thành – Trưởng Ga Yên Trung, được biết: “Việc tồn tại những người bán vé ngoài ga với giá vé cao hơn là có. Nhà ga đã nhiều lần chỉ đạo nhân viên không để vé tuồn ra ngoài nhưng để triệt để được vấn nạn này là khó khăn. Những người bán vé ngoài lợi dụng hình thức mua vé qua mạng nên đặt mua nhiều vé rồi “ém” lại để bán. Họ cũng có thể đặt mua vé ở các cửa ngoài Vinh, ở đại lý hoặc một nơi khác rồi về đây bán. Ngoài ra, vì một số hành khách hoãn chuyến tàu nên bán vé lại cho họ và họ bán vé đó lại cho khách hàng khác kiếm lời cũng nhiều. Tại Ga Yên Trung, chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp nào nhân viên của ga kết hợp với người ngoài để tuồn vé ra bán với giá cao hơn. Người đi tàu cần thận trọng để không phải gặp một số người tự xưng là quen biết và lừa lọc lấy tiền để rồi phải đi tàu chui”.

Việc “cò” vé tàu có vé mà nhà ga không có vé là chuyện bình thường và chuyện bán vé lại với giá cắt cổ của các “cò” cũng không có gì ngạc nhiên?! Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để nạn "cò" làm khó hành khách đi tàu!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast