Công tác đảm bảo trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực

Chiều 12/11, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo trật tự ATGT.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Điểm cầu Hà Tĩnh
Điểm cầu Hà Tĩnh

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, cả nước đã xử lý trên 12 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 5.265 tỷ đồng; tước GPLX 545.395 trường hợp; tạm giữ 25.368 ô tô, 641.174 xe mô tô vi phạm...

Về TNGT, trong năm 2012, cả nước xẩy ra 36.376 vụ, làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người; so với năm 2011, giảm 7.446 vụ (16,99%), giảm 1.614 người chết (14,09%), giảm 9.529 người bị thương (20,02%). Trong 10 tháng năm 2013, cả nước xẩy ra 24.369 vụ, làm chết 7.812 người, bị thương 24.387 người; so với cùng kỳ giảm 1.092 vụ (-4,29%), tăng 123 người chết (+2,96%), giảm 2.595 người bị thương (-9,62%).

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình trật tự ATGT bước đầu được thiết lập lại, đạt được mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, TNGT đã có chuyển biến tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Công tác đảm bảo trật tự ATGT có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của người thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên phạm vi cả nước. Điều đó một lần nữa khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 88-NQ/CP được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao và cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ trong những năm tiếp theo.

Nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP là các địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh…

Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT; tập trung xử lý các hành vi nguy cơ cao gây TNGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe tải, xe container; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, quản lý nghiêm việc đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải đường bộ…

Đối với Hà Tĩnh, trong 10 tháng qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến thôn/xóm đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm bảo đảm trật tự ATGT. Lực lượng công an toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 67.843 trường hợp vi phạm ATGT đường bộ, phạt tiền trên 33 tỷ đồng.

Về TNGT, toàn tỉnh xẩy ra 150 vụ, làm chết 117 người, bị thương 133 người, so với cùng kỳ giảm 34 vụ (-18%), tăng 10 người chết (+9%), giảm 13 người bị thương (-9%).

Từ nay đến cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm giảm 3 tiêu chí về TNGT như: tăng cường công tác quản lý và bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đảm bảo ATGT trên những tuyến đường vừa thi công vừa khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra , kiểm soát xử lý vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch hành động, có giải pháp cụ thể để triển khai công tác đảm bảo ATGT từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2014.

Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương coi trọng 2 vấn đề trọng tâm là quản lý và ý thức; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nâng cao ý thức người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Các địa phương, Bộ, ngành phân cấp làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong quản lý nhà nước về GTVT, làm rõ trách nhiệm của chủ phương tiện khi để xảy ra TNGT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast