Đảm bảo ANTT ngay tại cơ sở (bài cuối): Chuyên nghiệp hóa đội ngũ, nhân rộng các mô hình

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, công an các cấp đã triển khai hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ, xây dựng nhiều mô hình, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) nhằm ngăn chặn các hình thức vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, ngoài xây dựng lực lượng chính quy, Công an tỉnh thường xuyên củng cố, xây dựng đội ngũ công an cơ sở ngày càng chuyên nghiệp. Nếu như trước đây, các đồng chí công an xã chỉ được “tuyển ngang”, không được đào tạo nghiệp vụ và làm việc thiếu tính chuyên nghiệp thì thời gian gần đây, việc đào tạo đội ngũ công an xã, công an viên đã được cấp ủy, chính quyền và ngành Công an chú trọng.

Lực lượng cơ động mạnh thị trấn Kỳ Anh thường xuyên tuần tra, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Lực lượng cơ động mạnh thị trấn Kỳ Anh thường xuyên tuần tra, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Tính từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp cảnh sát đào tạo 3 khóa cho 360 học viên là trưởng công an, dự nguồn để “phủ sóng” tất cả các xã có trưởng công an được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tăng cường trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục cho công an các địa phương để hoạt động tác nghiệp một cách thuận lợi nhất. Bắt đầu từ năm 2012, lực lượng công an xã, công an viên được trang bị các loại quần áo, giày dép, mũ, gậy, tủ đựng tài liệu…, với trị giá lên đến gần 12 tỷ đồng.

Song song với đó, hàng năm, Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công an viên, bảo vệ dân phố đến trưởng, phó công an các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã chia vùng, cụm để tập huấn nghiệp vụ pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân cho khoảng 2.200 công an các xã, công an viên các địa phương trong toàn tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho 80 đồng chí trưởng công an đã có bằng trung cấp thuộc đồng bằng ven biển...

Thượng tá Lê Hữu Phúc - Phó trưởng phòng PV 28 (Công an tỉnh) cho hay: “Thời gian qua, công an các huyện, thị thường xuyên tổ chức giao ban hàng tháng với trưởng công an các xã, thị trấn. Ngoài ra, công an các xã thường xuyên tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân” và tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân nhằm khắc phục, sửa chữa những sai sót để phục vụ nhân dân tốt hơn, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở”.

Vai trò rõ nét nhất của công an cơ sở trong thời gian qua là ở mọi lúc, mọi nơi, khi xảy ra sự việc từ nhỏ đến lớn như: tai nạn giao thông, đánh nhau, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cướp của, giết người,… đều luôn có mặt kịp thời, một mặt bảo vệ hiện trường, mặt khác đưa người đi cấp cứu, giải quyết vụ việc. Điều đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của những chiến sỹ công an thường xuyên gần dân, sát dân và chăm lo, bảo vệ nhân dân, được nhân dân yêu quý.

Tuy vậy, để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, theo Thượng tá Lê Hữu Phúc thì cần tiếp tục tăng cường, cử cán bộ công an huyện, thị về với cơ sở, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm để cùng với công an địa phương xử lý các tình huống, vụ việc. Ngoài ra, công an các huyện, thị cần thành lập trạm, chốt ở các vùng trong huyện, địa bàn giáp ranh, xã trọng điểm.

Bên cạnh xây dựng lực lượng công an cơ sở, thời gian qua, để phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng trên địa bàn, Công an tỉnh và các địa phương triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, nội dung phong phú. Điển hình là Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Công an Hà Tĩnh rèn đức, luyện tài, xung kích lập công vì ANTQ”; Hội Phụ nữ “Tích cực học tập, lao động, năng động, sáng tạo vì ANTQ”. Công an Đức Thọ, Lộc Hà, Can Lộc xây dựng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện”; Công an Hương Khê với mô hình “Dòng họ, giáo họ an ninh, văn hóa”. Công an TP Hà Tĩnh xây dựng “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”, đề án “Quản lý, giáo dục người được tha tù, đi cơ sở giáo dưỡng, trường giáo dục về địa bàn dân cư”. Công an Can Lộc xây dựng mô hình “Vì bình yên học đường”, “Dòng họ an toàn, văn hóa”. Công an Cẩm Xuyên xây dựng “Tuyến đường tự quản, công sở văn minh”. Công an Thạch Hà duy trì mô hình “Liên gia tự quản”. Và nhiều mô hình như: “Toàn dân đoàn kết, văn hóa”, “Gia đình, công sở văn minh - công dân gương mẫu”, hội đồng tự quản, tổ an ninh nhân dân, cụm liên kết về ANTT, tuyến đường tự quản về an toàn giao thông, hộp thư tố giác tội phạm… ở nhiều địa phương đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Từ đó, tạo phong trào thi đua trong mỗi cán bộ, chiến sỹ làm nhiều việc tốt vì cuộc sống bình yên của nhân dân

Sự nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ công an và phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp đảm bảo ANTT sẽ giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, đảm bảo ổn định tình hình ngay tại cơ sở, điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast