Đảm bảo ATGT tại các điểm ngập lụt trên các tuyến đường

Ảnh hưởng của cơn bão số 10 làm ngập lụt nhiều tuyến đường, gây khó khăn trong việc lưu thông cho người và phương tiện ở nhiều đoạn...

Cụ thể, tuyến QL 15 đoạn qua địa bàn huyện Hương Khê bị ngập sâu nhiều đoạn, có đoạn ngập sâu từ hơn 1,5m, đặc biệt tại km 429+100 - km434+300 ngập sâu 1,5 - 2m; km428+400 - km 428+600 ngập từ 0,5 - 1,5m. Tỉnh lộ 5 - huyện Vũ Quang cũng có nhiều điểm bị ngập sâu, chẳng hạn tại km 29+200- km 29+260 nước ngập sâu từ 0,4 - 1m; km 33+300 - km 33+380 nước ngập sâu từ 0,8 - 1m. Tỉnh lộ 17 tại km48+200 - km52+200 nước ngập sâu từ 0,4 - 1,5m; km53+300 - km53+500 ngập sâu 1m; km54+200 - km54+250, km55+250-km55+270 ngập sâu từ 0,4 - 0,5m. Tỉnh lộ 22, tại km 2+800 - km 3+300 ngập sâu từ 0,5 - 1m.

Đơn vị quản lý phối hợp với Thanh tra giao thông lập barie ngăn không cho người và phương tiện qua lại tại điểm ngập trên TL 17 đoạn Km429+100-km434+300...
Đơn vị quản lý phối hợp với Thanh tra giao thông lập barie ngăn không cho người và phương tiện qua lại tại điểm ngập trên TL 17 đoạn Km429+100-km434+300...

Trước thực trạng này, Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh (CP QL&XDCTGT) - đơn vị trực tiếp duy tu và sửa chữa các công trình giao thông của tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Quản lý giao thông trên các địa bàn tiến hành lập trạm gác, làm hàng rào chắn, lắp biển báo hiệu, đồng thời phối hợp với Thanh tra giao thông (Sở GTVT) trực 24/24h để cảnh báo và hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua các điểm bị ngập sâu trên các tuyến đường đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhất là về ban đêm.

Ông Trần Phi Được, Giám đốc Công ty cho biết: Tại các điểm bị ngập sâu, đơn vị đã cho lập trạm gác 2 đầu đoạn ngập để ngăn chặn và hướng dẫn giao thông, đồng thời ở mỗi điểm đầu của mỗi đoạn ngập đơn vị đã cử 1 người đứng gác và cắm biển báo có nhiệm vụ thông báo cho người và phương tiện biết để có kế hoạch thay đổi lịch trình.

... và trên QL 15
... và trên QL 15

Tại các điểm ngập sâu kéo dài trên QL15A đoạn km 429+100 - 434+300, TL17 đoạn km 48+200 - km52+200, km53+300 - km53+500, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương phát phao cứu sinh cho các đò ngang làm nhiệm vụ vận chuyển người và phương tiện đi qua các đoạn ngập. Bên cạnh đó, tại các khu vực bị ngập sâu, công nhân trực đường còn có nhiệm vụ thông báo tình hình nước lũ kịp thời cho các trường học để nhà trường có phương án đề phòng nếu nước lũ lên cao thì cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh.

Ngoài ra, trên các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ có nhiều điểm bị sạt lở, đứt gãy, Công ty đã chỉ đạo các Hạt QL giao thông tại các địa phương cử công nhân trực đường khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo thông tuyến, tránh ách tắc giao thông và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

TL 22 biến thành sông
TL 22 biến thành sông

Ông Bùi Đức Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong những ngày mưa lũ vừa qua, Sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý, thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với nhau tổ chức trực 24/24h, đồng thời chỉ đạo các Hạt QL giao thông tại các địa phương bố trí lực lượng trực đường thường xuyên bám nắm địa bàn, kiểm tra liên tục, nhất là các đoạn đường thường bị ngập lụt để kịp thời phát hiện sự cố, nếu nước ngập sâu từ 0,4m trở lên thì ngay lập tức cho ngăn đường lập barie sào chắn.

Không chỉ ở những đoạn ngập trực tiếp nói trên mà tại các tuyến sông trọng điểm được trung ương uỷ thác như: sông La (Đức Thọ), sông Nghèn (Can Lộc), sông Ngàn Sâu (Vũ Quang); ở các điểm xung yếu như: cầu Thọ Tường trên Sông La, cầu Treo chợ Bộng trên sông Ngàn Sâu, đơn vị đều tăng cường người và phương tiện trực 24/24h để kịp thời ứng cứu người và phương tiện khi có sự cố.

Đến thời điểm này, công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các điểm ngập trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tại các bến sông, bến đò tiếp tục được duy trì và chưa xảy ra rủi ro hay mất mát nào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast