Hà Tĩnh quyết liệt xử lý xe quá tải

(Baohatinh.vn) - Năm 2014 trở về trước, xe quá tải lộng hành trên địa bàn toàn quốc, trong đó, Hà Tĩnh không là ngoại lệ. Trước tình hình đó, Bộ GTVT quyết định tăng cường kiểm soát tải trọng (KSTT) xe trên các tuyến đường. Tại Hà Tĩnh, công tác KSTT xe được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt. Đi cùng với tuyên truyền vận động, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về tải trọng.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010-2015 (Bài 8):

Hà Tĩnh quyết liệt xử lý xe quá tải ảnh 1

Cân tải trọng xe tại Trạm Đèo Con - Kỳ Anh

Chưa lúc nào Hà Tĩnh ra quân quyết liệt, xử lý triệt để xe quá tải như thời điểm vừa qua. UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông, đăng kiểm (gọi tắt là Tổ thùng thành) tập trung kiểm tra các phương tiện xe tải ben như “hổ vồ”, Cheng Long, Đông Pheng 3-4 chân chở quá tải và tự ý cơi nới, be chắn thùng thành.

Cùng thời điểm này, Trạm cân lưu động số 12 của tỉnh cũng được điều động vào khu vực huyện Kỳ Anh, nơi có “siêu” dự án Formosa đang trong thời kỳ xây dựng để tập trung xử lý xe quá tải; Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Cục quản lý Đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng được tăng cường để phối hợp xử lý.

Tại các địa phương khác, nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý xe quá tải cũng được tiến hành quyết liệt không kém. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, được tăng cường lực lượng hùng hậu từ các cơ quan chức năng, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng xe chở quá tải, cơi nới, be chắn thùng thành để chở quá tải trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm mạnh. Đặc biệt là địa bàn huyện Kỳ Anh - nơi được xem là “sào huyệt”, cũng vắng bóng xe quá tải.

Còn nhớ vào thời điểm quý III/2014, Kỳ Anh là địa bàn nổi cộm về tình trạng xe quá tải. Nhiều lần Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo tỉnh thị sát địa bàn huyện Kỳ Anh và đã bắt quả tang hàng chục xe tải ben tự ý cơi nới, be chắn thùng thành, chở quá tải gấp 2-3 lần tải trọng cho phép. Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh tập trung xử lý nghiêm xe quá tải.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đồng loạt ra quân. Sở GTVT phối hợp Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Cục Quản lý Đường bộ II tổ chức nhiều cuộc họp thống nhất tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai KSTT xe trên địa bàn. Ngành chức năng và các địa phương như Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân - nơi tập trung nhiều mỏ vật liệu xây dựng tổ chức tuyên truyền Thông tư 35 của Bộ GTVT về quy định bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng; đồng thời, ký cam kết với 99/99 doanh nghiệp (DN) kinh doanh, khai thác vật liệu trên địa bàn toàn tỉnh.

Hà Tĩnh quyết liệt xử lý xe quá tải ảnh 2

Dùng xe chuyên dụng cẩu xe “hổ vồ” cơi nới thùng thành.

Đặc biệt, ngày 16/10/2014, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị ký cam kết với tất cả DN đầu nguồn hàng (mỏ vật liệu, DN vận tải, cảng biển) về chấp hành quy định trong bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng. Địa bàn “nóng” xe quá tải như Kỳ Anh được bố trí Trạm KSTT xe trên QL 1A; tổ công tác liên ngành gồm CSGT, thanh tra, đăng kiểm sử dụng cân xách tay trên QL 12C. Các lực lượng này kiểm soát chặt chẽ 24/24h và duy trì 7 ngày/tuần.

Bên cạnh đó, Đội Thanh tra Cục Quản lý Đường bộ II phối hợp Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT tuần tra lưu động, xử lý xe quá tải trên các tuyến QL 1A, 12C và tuyến tránh thị trấn Kỳ Anh. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự lúc đó đã trực tiếp “xuống đường” và vào tận các mỏ đá trên địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ đạo, bắt quả tang những trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm đối với xe quá tải.

Theo thống kê của các ngành chức năng, đến cuối năm 2014, hàng ngàn phương tiện vi phạm bị xử lý; phạt tiền hàng chục tỷ đồng. Riêng Trạm KSTT xe bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2014 đến tháng 12/2014 đã lập biên bản xử lý 1.961 xe vi phạm, phạt gần 12 tỷ đồng; Tổ công tác liên ngành của tỉnh yêu cầu gần 500 phương tiện cắt bỏ phần thành thùng tự ý cơi nới, be chắn và phạt tiền hàng tỷ đồng…

Ông Nguyễn Trần Toản - Trạm trưởng Trạm KSTT xe lưu động cho biết, trạm huy động 100% quân số, hoạt động 24/24h và 7 ngày/tuần, mỗi ngày, có 3 tổ làm việc (tổ cân xe, tổ lưu động xử lý các xe dừng đỗ gần trạm cân; tổ trực chiến sẽ được điều động khi có sự việc). Nhờ đó, trong thời điểm cuối năm 2014, số xe vi phạm về tải trọng giảm rõ rệt. Nếu như trước đây khi mới thành lập trạm cân, cứ 10 xe vào cân thì có đến 4 xe chở quá tải (chiếm 40%), nhưng hiện nay, chỉ có 0,8%, nghĩa là 10 xe thì chưa đến 1 xe quá tải.

Quan sát tại các mỏ đá: Cơn Tria, Khe Giàn, QK4 trên đường 12C; Miền Tây, Kỳ Phương, Hoành Sơn, Hồng Sơn… trên đường tránh 1B địa phận Kỳ Anh - nơi một thời được xem là “sào huyệt” của xe quá tải, vào thời điểm hiện nay, vẫn còn đó hàng chục xe “hổ vồ” 3 chân, 4 chân nhưng thùng thành đã được hạ về nguyên bản, hoặc là xuất hiện nhiều loại xe đời mới đầu kéo ben được các chủ mỏ đầu tư nhằm thay thế cho những phương tiện chở quá tải trước đây. Một số chủ phương tiện và lái xe ở đây cho biết, họ đã cam kết và thực hiện đúng cam kết không chở quá tải. Có lái xe thẳng thắn: “Lần này, tỉnh kiên quyết làm đúng tải thì tất cả đều có lợi… Chúng tôi mong như thế”.

Phải nói rằng, năm 2015, tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng đã cơ bản được giải quyết. Nếu như trước đây luôn bị Chính phủ, Bộ GTVT nhắc nhở, phê bình vì tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn thì từ đầu năm 2015, Hà Tĩnh được Bộ GTVT, Chính phủ nêu gương về xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải và yêu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước học tập kinh nghiệm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast