Hương Khê: xe công nông “tung tăng” hoạt động

(Baohatinh.vn) - Sau một thời gian thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ, trong khi nhiều địa phương, xe công nông đã dần “tuyệt chủng” thì nhiều xã ở Hương Khê, loại phương tiện vận chuyển này đang “thịnh hành” trở lại...

Công nông “thịnh hành” trở lại

Chúng tôi có dịp đi thực tế ở một số xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, những nơi được xem là “thủ phủ” của xe công nông ở Hương Khê hiện nay. Dù đã biết trước tình hình nhưng tôi vẫn bị “sốc” khi chứng kiến loại phương tiện này quay trở lại hoạt động mạnh mẽ, trở thành phương tiện phổ biến của nhiều gia đình.

Công nông “bá chủ” những cung đường của các xã miền núi vùng sâu, vùng xa.
Công nông “bá chủ” những cung đường của các xã miền núi vùng sâu, vùng xa.

Tuy chưa nắm được con số chính thức của toàn huyện nhưng theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn xã Hương Lâm có khoảng 70 chiếc, Hương Giang 34 chiếc, Hương Trạch 33 chiếc, Hà Linh 32 chiếc và nhiều xã khác đang có hàng chục xe công nông hoạt động. Khu vực gần UBND xã Hương Lâm có thể xem là nơi có mật độ xe cao nhất với khoảng 70% số hộ có loại phương tiện bị cấm này, cá biệt, có những hộ hai xe dựng trong khuôn viên gia đình. Qua quan sát, chúng tôi thấy, hầu như các xe công nông trên địa bàn còn khá mới, các bộ phận xe có dấu hiệu được tân trang, sửa chữa, cải tiến...

Vào các xã có đất rừng, những nơi vùng sâu, vùng xa, bất kể là thời điểm sáng, trưa hay chiều tối, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh xe công nông đang hoạt động khá ngang nhiên. Từ các trục đường liên thôn đến liên xã, cả ở trong rừng lẫn khu vực trung tâm của các địa phương đều thấy xe công nông hoạt động, khi thì chở cát sỏi, lúc thì chở keo nguyên liệu và các loại nông sản, nhưng cũng không ít trường hợp vận chuyển cả lâm sản trái phép.

...công khai hoạt động mà không hề e ngại các cơ quan chức năng
...công khai hoạt động mà không hề e ngại các cơ quan chức năng

Ông Nguyễn Kim Hùng - Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu cho biết: “Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn xã Hương Lâm vẫn tiếp tục đóng thêm công nông, cho xe vào rừng vận chuyển gỗ trái phép; đặc biệt, các loại xe này thường xuyên đi theo tuyến đường Rào

Giàng vào tiểu khu 273 (thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chúc A quản lý - PV), sau đó sang tiểu khu 274 của đơn vị. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng tại gốc của các chủ rừng nên rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm”...

Chính quyền và ngành chức năng bất lực?

Tìm hiểu thực tế ở xã Hương Lâm, chúng tôi thấy, ngoài các chủ rừng thì chính quyền địa phương đã thành lập một sào chắn kiểm soát lâm sản do lực lượng công an xã phụ trách trực thường xuyên. Khu vực dựng sào khá gần với UBND xã và khu vực có tỷ lệ xe công nông cao nhất nhưng loại phương tiện này vẫn “vô tư” chở gỗ qua sào, “tung tăng” chạy trước cổng ủy ban.

Đem băn khoăn này trao đổi với ông Đinh Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm thì được khẳng định: “Thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ, chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt, gọi các hộ lên ký cam kết và có biện pháp ngăn chặn, thậm chí là xử phạt nhưng do nể nả, dân đang nghèo khổ quá và nhiều lý do tế nhị khác nên không thể cấm triệt để. Chúng tôi thừa nhận trên địa bàn có nhiều xe công nông”.

thậm chí chở hàng cồng kềnh...
thậm chí chở hàng cồng kềnh...

Để minh chứng, vị này đã gọi người đưa biên bản cam kết và chỉ tôi ra sân để chụp ảnh lâm sản bị thu giữ. Nhưng khi cầm giấy cam kết của các hộ được lập từ năm 2008, tôi cố tìm mãi nhưng không thấy bất cứ lần xử lý vi phạm nào trong văn bản đính kèm dù những chiếc xe này vẫn đang ngang nhiên hoạt động. Ra sân định chụp ảnh, tôi lại càng khó chịu hơn khi trên bãi cỏ chỉ có 3 khúc gỗ đã mục nát, ước chừng nó “trưng bày” ở đó đã dăm ba năm.

Điều bất thường nhất là chỉ trong khoảng mười phút làm việc với chúng tôi nhưng vị phó chủ tịch xã đã thực hiện 5 cuộc điện thoại với tâm lý rất sốt sắng, nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò. Chỉ đến khi ra về, tôi thấy những chiếc xe công nông dần biến mất, những xe khách 12 chỗ đã hết đát, ì ạch chuyển hướng, các sào chắn được sập xuống và vị phó công an xã đuổi theo thăm dò thì tôi dần đoán ra nội dung các cuộc điện thoại của ông phó chủ tịch xã trước đó...!

... và chở lâm sản vào ban ngày ngay trước cổng UBND xã Hương Lâm
... và chở lâm sản vào ban ngày ngay trước cổng UBND xã Hương Lâm

Có thể khẳng định rằng, tình trạng để xe công nông quay lại hoạt động rầm rộ như hiện nay, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương thì các cơ quan chức năng khác ở Hương Khê cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này ở các “điểm nóng”, ông Đặng Quốc Vượng - Trưởng công an huyện Hương Khê cho rằng: “Vấn đề này anh nên gặp anh Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng vì cấp xã quản lý nhà nước về vấn đề này. Chúng tôi chỉ xử lý khi công nông ra đường hoặc gây tai nạn chứ bắt công nông trong dân thuộc về chính quyền địa phương. Dù không có chứng cứ nhưng chúng tôi thấy họ chưa vào cuộc. Nếu chính quyền không ủng hộ, khi công an vào, dân “vây” thì tình hình lại phức tạp thêm. Trong thực tế, chúng tôi chưa thấy xã nào đề nghị vào cuộc và những khi công an huyện vào thì họ giấu hết phương tiện nên không thể xử lý...”.

Còn ông Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định rằng: “Vấn đề này huyện có biết và đã giao cho các xã, ngành liên quan khảo sát, thống kê, nắm bắt tình hình để sớm có biện pháp xử lý. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch truy quét xe công nông trên địa bàn, qua đó đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nội dung cần triển khai, các biện pháp cần thực hiện.... Trong quá trình kiểm tra, xử lý, nếu thấy địa phương nào cố ý làm sai, có nhiều sai phạm thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật”. Tuy nhiên, với ý thức chấp hành của người dân và tinh thần vào cuộc như từ trước đến nay của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì chúng tôi không khỏi nghi ngờ tính hiệu quả của kế hoạch này…

Dư luận đang chờ UBND huyện Hương Khê và các ngành chức năng trên địa bàn vào cuộc giải quyết “vấn nạn” này một cách quyết liệt, thực chất thay vì hình thức, chiếu lệ như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast