Khi học trò buôn pháo!

(Baohatinh.vn) - Qua nhiều năm thực hiện chỉ thị của Nhà nước về cấm đốt pháo, hình ảnh của pháo và tiếng pháo đã lui vào quá khứ và không còn là “nét đặc trưng” của ngày tết vì những tác hại to lớn của nó. Thế nhưng, mấy năm gần đây, pháo vẫn cố tình len lỏi trong từng xóm làng, vào trường học, nhất là dịp cận tết...

Đ..o..à..n..g..! Đang đi trên đường, tôi bỗng giật bắn mình bởi cái thứ âm thanh đáng sợ ấy. Và càng giật mình khi biết đó là tiếng pháo nổ chứ không phải tiếng nổ lốp xe như tôi vẫn nghĩ. Pháo đã bị cấm từ lâu cơ mà! Ấy vậy mà P. - cậu em họ ngồi sau xe cứ hí ha hí hửng: “Chà, lũ ấy mua được pháo đâu mà nhanh thế. Chưa đến tết mà!”. Hỏi khéo thằng em, nó bảo: mua pháo dễ ợt! Tụi học trò choai bán đầy. Tôi ngớ người. Mấy năm đi học xa nhà, tôi đâu có biết, đến gần những ngày lễ, tết là đám thanh thiếu niên lại rủ nhau chơi pháo. Cứ tưởng bị cấm và được quản chặt lắm cơ, ai dè...

Pháo lậu bị thu giữ. Ảnh minh họa
Pháo lậu bị thu giữ. Ảnh minh họa

P. cho hay, ở trường nó, đám bạn mua bán pháo hoa bằng cách chuyền tay nhau. Hầu hết pháo ở trường đều được mua từ TP Vinh (Nghệ An) hoặc thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn), tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đám bạn được những người đi làm hay đi học ngoài giới thiệu và chuyển hàng về. P. cũng đang tính mua một ít pháo về nổ cho vui trong dịp tết, thế là tôi tình nguyện làm tài xế cho nó.

Trên đường, tôi được P. giới thiệu khá chi tiết về các loại pháo. Nào là pháo dàn, pháo bi, pháo tép, pháo diêm, pháo us, pháo lợn, pháo thăng thiên, pháo nhang, pháo giật, rồi pháo nổ không ngòi đựng trong chiếc hộp chỉ lớn hơn bao diêm và cả loại pháo ném đựng trong những túi ni lông nhỏ có kèm theo mùn cưa… đều xuất xứ từ Trung Quốc. Đa phần các loại pháo này đều khá nhỏ và dễ sử dụng. Pháo dàn chia làm 2 loại: loại dàn 36 quả và dàn 12 quả, có sẵn dây ở đầu cuối để châm lửa. Pháo bi hình dáng giống kẹo mút. Dường như để dễ “lọt”, tất cả các loại pháo đều được làm nhỏ gọn với độ nhạy nổ cao. Như pháo ném, ném xuống đất cũng nổ, ném vào người cũng nổ. Đáng sợ lắm! Rất nhiều trường hợp chơi pháo bị bắn trúng người, trúng mắt, gây thương tích trầm trọng. Biết là nguy hiểm nhưng nhiều cậu học trò vẫn buôn pháo và thi nhau sử dụng. Học sinh chủ yếu chơi pháo bi và pháo diêm vì loại pháo này khá rẻ mà nhỏ gọn, dễ cất giấu.

Lại nói về cuộc hẹn đi mua pháo, đến ngày hẹn, tôi theo chân P. chuẩn bị cho hành trình mua pháo lậu. Sau một hồi lòng vòng, qua liên hệ điện thoại, tôi và P. cũng tìm thấy ngôi nhà của T. (nằm trong ngõ của thị trấn Nghèn, Can Lộc) chuyên bán pháo cho tụi học trò trong vùng. T. dẫn cả bọn ra ngôi nhà nhỏ khuất phía sau chứa đầy những hộp mỳ tôm được dán kỹ càng. T. ra giá: “Pháo bi loại nhỏ 6 nghìn đồng, loại to 8 nghìn; pháo diêm 5 nghìn đồng/hộp; pháo us, pháo lợn 40 nghìn đồng/hộp; pháo dàn 36 quả là 1.100 nghìn đồng... Đó là giá ưu đãi rồi nhé. Nếu lấy nhiều sẽ giảm giá và trao hàng tận nơi an toàn”.

P. cho hay, để có pháo bán và sử dụng trong những ngày tết, T. đã lặn lội ra Vinh hoặc lên Hương Sơn “đóng hàng” từ cuối tháng 10, 11. P. bảo, mấy tay này là dân buôn chuyên nghiệp. Còn mua lẻ như anh em mình về bán lại có khi vẫn kiếm được cả triệu chứ chẳng chơi. Theo P., buôn pháo vừa dễ kiếm tiền vừa vui nhưng cũng rất nguy hiểm. Lớ ngớ là bị “sờ gáy” ngay. Mới đây, có cậu học sinh lớp 10A12 - Trường THPT Hương Khê bị bắt khi đang mua bán, sử dụng trên 300 quả pháo nổ các loại.

Thế mới thấy buôn pháo tuy bị cấm nhưng lại tồn tại nhiều kẽ hở. Một phần bởi sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng khi để pháo lọt qua các cửa khẩu, biên giới; mặt khác, bởi sự tuyên truyền, giáo dục chưa triệt để từ phía gia đình, nhà trường. Một khi việc vận chuyển, nhập lậu chưa được quản lý nghiêm ngặt thì tình trạng buôn bán pháo vẫn còn diễn ra. Mùa Noel, mùa tết đang đến gần, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong công tác kiểm tra và quản lý để những phố phường, những làng quê không còn nghe tiếng pháo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast