Khi láng giềng tranh chấp đất đai

Người xưa có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Câu nói ấy nhằm răn dạy người đời cần coi trọng tình cảm láng giềng, bởi đó là nơi “tối lửa tắt đèn có nhau”. Trong xã hội đã có không ít câu chuyện đẹp về tình cảm gắn bó hàng xóm láng giềng với nhau. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp láng giềng mất hòa khí, không nhìn mặt nhau, thậm chí là chém giết nhau đã xẩy ra chỉ vì những chuyện không đáng có.

Minh họa từ Internet
Minh họa từ Internet

Bà L. và bà T. vốn là dân ngụ cư, người nơi xa đến ở gần nhau, ban đầu có dè dặt nhưng rồi hoàn cảnh xa anh em, lạ đất lạ làng nên họ sớm thân thiết. Nhà bà L. nấu món gì ngon cũng mang sang biếu nhà bà T., ngược lại, nhà bà T. có quà quê là mang chia cho nhà bà L. Tưởng như mối tình cảm láng giềng thân thiết ấy mãi bền lâu nhưng một hôm có chuyện đo lại đất vườn thì bà L. phát hiện bờ giậu nhà bà T. đã lấn sang đất nhà mình nửa mét.

Cho rằng bà T. lợi dụng tình cảm thân thiết giữa 2 nhà để “ăn gian”, lấn chiếm đất nhà mình, vốn sẵn tính nóng nảy, bà L. đã lớn tiếng chửi bới bà T. Thấy mẹ mình bị chửi, con cái bà T. cũng đã lên tiếng chửi bới bà L. Thế là, tình cảm láng giềng xây dựng bao lâu nay tan thành mây khói. Hàng xóm ai cũng lấy làm tiếc mà trách cứ cách hành xử thiếu tế nhị của đôi bên. Lẽ ra nên hòa giải theo cách khác thì tình cảm dẫu không còn mặn nồng như xưa cũng không đến nỗi từ mặt nhau như vậy.

Xẩy ra đã lâu lắm rồi nhưng chắc hẳn người dân xã S. còn nhớ rõ câu chuyện anh H. phải vào vòng lao lý. Vốn là nhà anh H. và nhà bà K. chung nhau bờ giậu. Ngay ngõ ra vào nhà bà K., anh H. cho trồng 1 bụi tre, ban đầu tre còn nhỏ thì không ai nói gì, nhưng sau mấy năm tre lớn lên choán hết cả lối đi vào nhà bà K.

Bà K. sau nhiều lần yêu cầu anh H. chặt tre không được đã đem lời thóa mạ. Mối quan hệ trở nên căng thẳng và đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào hôm bà K. mang cuốc xẻng ra đào tre nhà anh H. Thấy hàng xóm bỗng nhiên đào tre nhà mình không báo trước, anh H. liền xông ra chửi bới. Lời qua tiếng lại, anh H. cầm dao ra chém bà K. toạc cả đầu. Sau khi gây án, anh H. bỏ trốn vào Nam được một thời gian thì bị bắt và đưa về địa phương xử lý theo pháp luật. Nếu 2 bên chịu nhường nhau, nghĩ đến tình làng nghĩa xóm thì kết cục không đáng buồn như thế.

Cũng liên quan đến chuyện đất đai, khi xưa, nhà ông B. vốn đất đai rất rộng, bố ông B. thương tình gia cảnh nhà ông G. nên đã cho ông G. cất nhà ở nhờ trong vườn, lâu dần thì cho luôn mảnh đất ấy. Sau khi bố ông B. mất thì ông G. cũng được chia một phần đất. Cả 2 nhà đi chung 1 con ngõ cho tới khi xã mở đường mới. Con ngõ ấy thành ngõ cụt, muốn ra đường chính lại phải mở con ngõ mới qua vườn nhà ông G.

Ông G. ban đầu đồng ý nhưng vợ con ông lại phản đối. Họ không cần biết nghĩa tình của bố ông B. với ông G. như thế nào nhưng bây giờ “tấc đất, tấc vàng”, cắt mét nào bán mét ấy. Giận vì nhà ông G. bạc bẽo, quên ân nghĩa xưa kia, ông B. bèn làm đơn kiện. Câu chuyện giữa 2 nhà về sau được hòa giải và con ngõ mới cũng được mở qua đất nhà ông G., tuy nhiên, tình cảm không còn như xưa...

Đời sống ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa người với người cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là tiền bạc. Thiết nghĩ, giữa những người hàng xóm láng giềng với nhau nên “một điều nhịn, chín điều lành” bởi khi đau ốm, hoạn nạn, người đầu tiên có thể đến với mình chính là láng giềng. Hơn nữa, đó cũng là cách hành xử thể hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong thời đại ngày nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast