Mỗi vụ tai nạn đều có trách nhiệm của Bộ Giao thông

Sáng nay, trả lời trước Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã không ngần ngại thừa nhận, “mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra đều có trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng:

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Xuân Tùng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Xuân Tùng

Sáng nay (30/8), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có buổi trả lời chất vấn Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về tình hình trật tự an toàn giao thông, việc cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô trong thời gian vừa qua. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi đó là việc cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô, các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua và biện pháp khắc phục.

Mở đầu phiên giải trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã báo cáo khái quát về những mặt đã đạt được cũng như những hạn chế trong công tác quản nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có những chuyển biến rõ nét. Chất lượng vận tải, dịch vụ vận tải trên tuyến ngày càng được nâng cao. Một số bến xe, trạm dừng nghỉ đã được nâng cấp, đầu tư hiện đại, giúp nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến điều kiện an toàn giao thông vận tải, nhất là xe khách.

Theo người đứng đầu ngành giao thông, những tồn tại trên có nguyên nhân của việc ban hành văn bản nhà nước. Hiện Bộ Giao thông đang tổng kết 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Sau 5 năm tình trạng giao thông đã được cải thiện; tuy nhiên, trong Nghị định 91 và 93 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vẫn còn hạn chế cần phải sửa đổi. Vì vậy, tới đây Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm và phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị. Bộ Giao thông làm gì, Sở Giao thông làm gì, chủ doanh nghiệp làm gì, các bến xe làm gì... để tránh chồng chéo và dễ xử lý trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.

Với các Sở Giao thông vận tải địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua kiểm tra thời gian qua cho thấy, việc cấp phép điều kiện kinh doanh vận tải chỉ dựa vào hồ sơ tại bến, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp đã thực hiện không đúng dẫn đến sai phạm.

“Tới đây, Bộ Giao thông vận tải sẽ siết chặt lại điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô bằng việc, đề nghị Chính phủ đưa điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vào loại hình kinh doanh đặc biệt. Quan điểm của Bộ là xử lý trách nhiệm các trường hợp vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân theo quy định sai phạm”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng thừa nhận, việc quản lý hoạt động lái xe hiện nay đang có rất nhiều lỏng lẻo, có rất nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không ký hợp đồng với lái xe, khoán trắng xe cho lái xe, dẫn đến việc lái xe tự lo tất cả… cho nên sắp tới khi sửa Nghị định 91 và 93 sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, của lái xe và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân vi phạm.

Trước câu hỏi của một số đại biểu, trong các vụ tai nạn giao thông, thường thì lái xe thường bị đổ lỗi đầu tiên sau đến ý thức của người tham gia giao thông, vậy trách nhiệm của các đơn vị quản lý thế nào?, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của trung tâm đăng kiểm, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và lái xe.

“Đúng là có việc đổ trách nhiệm trong các vụ tai nạn giao thông cho lái xe, tuy nhiên với Bộ Giao thông vận tải mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra bao giờ Bộ cũng khẳng định có trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, sau mới truy đến chủ doanh nghiệp và lái xe”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho biết, với mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đều phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an tìm hiểu, điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn. Mỗi vụ tai nạn đều cử cán bộ đăng kiểm đến kiểm tra xem tai nạn giao thông có phải do lỗi đăng kiểm hay không hay do công tác sát hạch cấp phép lái xe gây ra, sau đó sẽ tổng hợp lại, nếu lỗi do các trung tâm cấp giấy phép lái xe gây ra thì những trung tâm nào có nhiều lái xe để xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ xem xét dừng hoạt động và với các trung tâm đăng kiểm cũng vậy.

Trước phàn nàn của một số đại biểu về việc công tác thi sát hạch giấy phép lái xe hiện nay quá lộn xộn và nảy sinh nhiều tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, những thiếu sót này trước hết thuộc Bộ Giao thông vận tải vì còn thiếu quy hoạch, xây dựng chiến lược về các trung tâm đào tạo lái xe, quy định về nội dung đào tạo bài giảng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các Sở, địa phương nơi quản lý các trung tâm đào tạo lái xe cũng có trách nhiệm trực tiếp.

Theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải, những năm trước đây, kinh tế phát triển nhu cầu mua xe nhiều đã dẫn đến việc nợ rộ các trung tâm đào tạo lái xe cho nên ít nhiều buông lỏng chất lượng. Để khắc phục việc này, hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch phê duyệt quy hoạch các trung tâm đào tạo lái xe với mục tiêu dạy cho người lái xe biết lái xe chứ không phải vào để lấy bằng lái xe.

"Tới đây thời gian lý thuyết sẽ dài lên, thời gian thực hành cũng vậy. Đồng thời sẽ đưa công nghệ vào sát hạch giấy phép lái xe để hạn chế tiêu cực", Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Theo VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast